Mở rộng, phát triển hệ thống thoát và xử lý nước thải
Công nghệ - Ngày đăng : 07:03, 20/01/2022
Đầu tư còn hạn chế
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, theo quy hoạch, thành phố có 3 phân vùng tiêu thoát nước chính (rộng 125.400ha) là: Tả Đáy (gồm nguồn xả là các sông: Hồng, Nhuệ, Đáy); hữu Đáy (các sông: Tích, Bùi, Đáy) và Bắc Hà Nội (các sông: Hồng, Đuống, Cầu, Cà Lồ, Ngũ Huyện Khê). Tuy nhiên đến nay, mới có lưu vực sông Tô Lịch (rộng 7.750ha) - một trong 6 lưu vực thuộc vùng tả Đáy, được đầu tư hệ thống thoát nước cơ bản hoàn chỉnh, có thể bảo đảm tiêu thoát nước cho 8 quận nội thành với cường độ mưa 310mm/2 ngày.
Về hệ thống thu gom, xử lý nước thải, hiện trên địa bàn thành phố mới có 6 nhà máy, trạm xử lý được đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành với tổng công suất xử lý 276.300m3/ngày - đêm, chiếm khoảng 28,8% khối lượng nước thải cần xử lý.
Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, 14 dự án thoát nước và xử lý nước thải được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2013-2020. Song đến nay mới có 5 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng; 1 dự án đang triển khai (Dự án xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000m3/ngày - đêm). Còn lại, 8 dự án chưa thể thực hiện do gặp khó khăn về nguồn vốn, cơ chế đầu tư...
“Các dự án thoát nước và xử lý nước thải cần nguồn kinh phí đầu tư rất lớn, thời gian thực hiện lâu dài, công tác giải phóng mặt bằng khó khăn, trong khi cơ chế đầu tư xã hội hóa chưa hoàn chỉnh nên thiếu hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Diện bao phủ giải quyết thoát nước của Thủ đô hiện còn hạn chế, vì vậy, thời gian qua, nhiều khu vực, như: Đường Cổ Linh, Hoa Lâm (quận Long Biên), Đại lộ Thăng Long, phố Lê Trọng Tấn (thuộc địa phận huyện Hoài Đức)... thường xuyên bị úng ngập khi mưa lớn xảy ra. Bà Đỗ Huệ Chi (xã An Khánh, huyện Hoài Đức) cho hay, mỗi lần mưa lớn, phố biến thành sông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại cũng như đời sống người dân.
Ưu tiên triển khai nhiều dự án
Nhằm phát triển hệ thống thoát nước, xử lý nước thải khu vực đô thị theo quy hoạch được duyệt, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, thành phố định hướng ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước lưu vực tả Nhuệ, hữu Nhuệ, khu vực các quận: Hà Đông, Long Biên, khu vực phía Tây thành phố nhằm giải quyết tình trạng úng ngập do mưa. Đồng thời, thành phố định hướng ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải khu vực đô thị có mật độ dân cư cao, tốc độ đô thị hóa lớn, giảm thiểu ô nhiễm lưu vực sông Nhuệ, Cầu Bây; phấn đấu nâng tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt 50-55% vào năm 2025. Bên cạnh đó, thành phố cũng tiếp tục duy trì, duy tu hệ thống thoát nước, các trạm xử lý nước thải, bảo đảm hiệu quả hoạt động của các hệ thống đã đầu tư.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cho hay, với các dự án đang triển khai, thành phố sẽ tập trung nguồn lực, khẩn trương hoàn thành, sớm đưa vào sử dụng nhằm phát huy hiệu quả công trình. Ngoài ra, theo kế hoạch, thành phố dự kiến nguồn kinh phí hơn 41.067 tỷ đồng để đầu tư 20 dự án thoát nước, xử lý nước thải đô thị. Các dự án được thành phố ưu tiên đầu tư giai đoạn này gồm: Xây dựng trạm bơm Gia Thượng, hồ điều hòa và tuyến mương Thượng Thanh; xây dựng trạm bơm Cự Khối và tuyến mương xả ngoài đê tả Hồng, tuyến mương Việt Hưng - Cầu Bây; xây dựng hệ thống thoát nước quận Hà Đông thuộc lưu vực hữu Nhuệ; xây dựng hệ thống thoát nước mưa lưu vực tả Nhuệ; xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy Xử lý nước thải Kiến Hưng, quận Hà Đông (công suất 30.000m3/ ngày - đêm); xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy Xử lý nước thải Tây sông Nhuệ (công suất 58.000m3/ngày - đêm)...
Ngoài ra, để bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu thoát nước đô thị, thành phố cũng dành hơn 12.250 tỷ đồng triển khai 7 dự án thủy lợi, như: Xây dựng trạm bơm Văn Khê và hệ thống tiêu ra sông Hồng; xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc; cải tạo, nâng cấp trạm bơm tiêu Đông Mỹ...