Hàng hóa Tết phong phú, giá cả ổn định
Kinh tế - Ngày đăng : 06:20, 20/01/2022
Dự báo sức mua không tăng đột biến
Ghi nhận tại các siêu thị lớn trên địa bàn thành phố như AEON Mall, GO! Big C, WinMart, Co.op Mart, BRG Mart/Hapro Mart... cho thấy, lượng hàng hóa Tết hiện rất dồi dào, phong phú, giúp khách hàng dễ dàng có những lựa chọn phù hợp. Các mặt hàng phục vụ Tết chủ yếu là thực phẩm tươi sống, rau củ, trái cây, bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát…
Bên cạnh đó, các siêu thị còn đồng loạt triển khai nhiều chương trình bình ổn giá, khuyến mại, giảm giá sâu đối với các mặt hàng thiết yếu. Trong khi đó, tại các chợ dân sinh, hàng Tết cũng được bày bán khá nhiều, sức mua, giá cả ổn định. Cụ thể, giá thịt lợn dao động trong khoảng 150.000 đồng/kg; các loại giò, chả, xúc xích có giá 130.000-190.000 đồng/kg. Các sản phẩm gạo tám thơm, gạo lứt, gạo nếp có giá dao động 100.000-200.000/túi 5kg; cam Canh có giá khoảng 40.000 đồng/kg; bưởi Diễn giá 30.000 đồng/quả, táo nhập khẩu có giá khoảng 60.000 đồng/kg; các giỏ quà Tết có mức giá từ 300.000 đồng đến 2 triệu đồng tùy loại…
Chị Phạm Xuân Lan (trú tại ngõ 2 phố Tú Mỡ, quận Cầu Giấy) cho hay, thu nhập của gia đình bị ảnh hưởng nhiều do dịch Covid-19, nên chi tiêu mua sắm dịp Tết cũng phải cân đối, điều chỉnh. “Hàng hóa tiêu dùng thiết yếu thì tôi vẫn phải mua, còn những mặt hàng biếu, tặng thì phải cân đối, phù hợp với chi tiêu của gia đình”, chị Lan nói.
Nhằm hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm, hệ thống siêu thị GO! Big C và chuỗi siêu thị Tops Market đã áp dụng chính sách bình ổn giá, khuyến mại áp dụng với hơn 7.000 sản phẩm thiết yếu. Tương tự, AEON đã chuẩn bị lượng hàng hóa Tết tăng khoảng 15%, tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, gạo, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát... Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Nội (quận Hà Đông) Nguyễn Thị Kim Dung thông tin, đơn vị đã tập kết nguồn hàng, cũng như dự kiến các đơn hàng với các nhà cung cấp, nhằm bảo đảm giá cả bình ổn.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga, thị trường Tết chịu tác động rất lớn bởi dịch Covid-19. Người tiêu dùng tiếp tục có xu hướng tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu, chưa kể hoạt động tập trung đông người bị hạn chế. Vì vậy, dự báo sức mua sẽ không tăng so với cùng kỳ năm trước.
Đẩy mạnh liên kết vùng, tạo nguồn cung hàng hóa
Hà Nội là thị trường lớn, có nhu cầu cao. Để bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa phục vụ người dân, theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, thành phố Hà Nội đã chuẩn bị hàng chục nghìn tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm với tổng trị giá 39.000 tỷ đồng (tương đương với kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021). Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch liên kết vùng và kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố, qua đó đưa nông sản, thực phẩm về thị trường Thủ đô tiêu thụ.
Bên cạnh đó, đến nay, đã có 44 công ty, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh địa bàn thành phố Hà Nội đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá, với tổng lượng hàng hóa đăng ký thực hiện 18.000 tỷ đồng (kế hoạch là 5.600 tỷ đồng); đưa hàng hóa bình ổn tới hơn 20.000 điểm bán, gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh, chợ truyền thống…
“Các doanh nghiệp cam kết giữ giá hàng hóa thiết yếu ổn định trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ngoài ra, các doanh nghiệp sẽ tổ chức bán hàng lưu động tại khu công nghiệp, các điểm bán hàng khu vực ngoại thành, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng”, bà Trần Thị Phương Lan khẳng định. Còn theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Ở góc độ doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Hapro Đỗ Tuệ Tâm cho biết, Hapro đã kết nối cung cầu với các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Đồng Tháp… để khai thác, tiêu thụ các mặt hàng nông sản, đặc sản vùng miền, góp phần không để xảy ra hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến dịp Tết.