Các chủ nhân Giải thưởng VinFuture truyền cảm hứng và tình yêu nghiên cứu khoa học

Công nghệ - Ngày đăng : 15:07, 21/01/2022

(HNMO) - Sáng 21-1-2022, tại Trường Đại học VinUni (Hà Nội) đã diễn ra buổi giao lưu với khán giả mang tên Talk Future. Tại đây, các chủ nhân Giải thưởng VinFuture đã chia sẻ những câu chuyện đằng sau từng công trình được giải. Đây là hoạt động cuối cùng trong chuỗi sự kiện thuộc Tuần lễ Khoa học VinFuture lần thứ nhất.

Những chủ nhân của Giải thưởng VinFuture chia sẻ về công trình nghiên cứu.

Được tổ chức ngay sau đêm công bố giải thưởng, buổi giao lưu có ý nghĩa truyền cảm hứng đặc biệt tới công chúng khi các chủ nhân giải thưởng của mùa giải VinFuture đầu tiên chia sẻ về cuộc đời, động lực cũng như hành trình nghiên cứu để tạo nên những phát minh đoạt giải.

Giáo sư Omar MYaghi, người đoạt giải đặc biệt chia sẻ lý do vì sao ông đam mê lĩnh vực hóa học và vật liệu, những tò mò, khám phá từ tuổi lên 10. Từ tình yêu đó dẫn đến đam mê và phát minh trong việc tạo ra vật liệu mới - vật liệu MOFs làm từ kim loại với vật liệu hữu cơ.

Giáo sư Zhenan Baochia chia sẻ hành trình di cư đến Mỹ, những vất vả để mưu sinh nơi xứ người và những nghiên cứu trong nhiều năm để tạo ra da nhân tạo, một phát minh quan trọng giúp người khuyết tật có cảm giác như người bình thường khi chạm vào mọi vật thể.

Vợ chồng Giáo sư Salim Abdool Karim và Giáo sư Quarraisha Abdool Karim kể về câu chuyện đằng sau công trình nghiên cứu tạo ra loại gel tenofovir CAPRISA 004 giúp phòng, chống HIV chủ động. Nghiên cứu này được Science đánh giá là 1 trong 10 đột phá khoa học hàng đầu thế giới năm 2010.

Cuối cùng, ba nhà khoa học: Katalin Kariko, Drew Weissman (Mỹ) và Pieter Cullis (Canada) - những chủ nhận giải thưởng chính của VinFuture trị giá 3 triệu USD chia sẻ về công trình nghiên cứu phát minh công nghệ vắc xin mRNA, nền tảng để sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 của Pfizer và Moderna.

Giáo sư Weissman chia sẻ: “Chúng tôi tình cờ gặp nhau khi dùng chung máy photocopy. Tôi làm lĩnh vực sinh học, cũng muốn làm ra vắc xin. Bà Kariko làm về mRNA, từ đó hợp tác với nhau. Khi chúng tôi bắt đầu cộng tác, gặp nhiều khó khăn vì không ai quân tâm mRNA, ít người chung chí hướng, khi xin tài trợ, xin xuất bản nghiên cứu không ai tin. Nhưng chúng tôi vẫn kiên gan bền chí, ngày càng có nhiều người quan tâm, từ đó mới có tài chính nghiên cứu”. 

Tuy nhiên, nếu không có Giáo sư Cullis thì không có được công nghệ mRNA như ngày nay. Giáo sư Cullis chia sẻ câu chuyện từ khoa học cơ bản chuyển thành ứng dụng thực tế. Theo ông là không dễ dàng. “Cá nhân tôi đã khởi nghiệp nhiều công ty, không phải công ty nào cũng thành công. Từ những ý tưởng nghiên cứu khoa học thành thực tế là hành trình khó khăn. Tuy nhiên, kinh nghiệm của tôi cho thấy, làm gì cũng phải trong tinh thần vui vẻ. Nghiêm túc quá không phải lúc nào cũng hiệu quả. Nghiêm túc nhưng hãy biết tận hưởng hành trình đó”.

Các nhà khoa học đã không chỉ chia sẻ về những nghiên cứu của mình mà còn truyền cảm hứng cho giới trẻ. Tiến sĩ Kariko nói: “Với người trẻ, muốn theo đuổi khoa học, phải làm, phải yêu. Khi yêu sẽ làm hết sức mình bằng cả trái tim, tâm trí. Thông điệp của tôi đơn giản là làm, làm và làm nhiều hơn!”. Những chia sẻ chân tình này giúp giới trẻ mạnh dạn dấn thân vào con đường nghiên cứu, để tiếp tục có những nghiên cứu thành công, hỗ trợ cộng đồng trong tương lai.

Thu Hằng