Tạo điểm tựa vững vàng
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:16, 22/01/2022
Ngay thời điểm này, tin vui là nhiều doanh nghiệp, ngành hàng đã có đơn đặt hàng đến hết quý I-2022. Dù còn nhiều khó khăn với dịch bệnh, nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn, hấp dẫn, được nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn “làm tổ” và tiếp tục mở rộng quy mô. Trong khi đó, nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi, là cơ sở để cộng đồng doanh nghiệp tìm cơ hội phát triển...
Những điểm sáng của nền kinh tế năm 2021 đã khẳng định mạnh mẽ sự đúng đắn của những quyết sách kịp thời, mang tính quyết đoán, linh hoạt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp. Nhìn lại năm 2021, những “trục” phát triển cơ bản là: Xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và sản xuất công nghiệp đã tạo nền tảng quan trọng để năm 2022 nền kinh tế tiếp tục khởi sắc. Vì thế, tìm cơ hội bứt phá ngay trong những ngày đầu năm là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp.
Thực tế, kiểm soát được dịch bệnh chính là “chìa khóa” để nền kinh tế vận hành ổn định. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đề cao tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Với kinh nghiệm đã tích lũy trong thời gian qua, cần chủ động hơn nữa trong việc phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất trên phạm vi cả nước và “từ sớm, từ xa”. Có phương án để không bị đứt gãy nguồn cung nguyên vật liệu, thiếu hụt nhân công, tắc nghẽn lưu thông hàng hóa...
Cùng với đó, ngay từ đầu năm, mỗi bộ, ngành, địa phương cần có kế hoạch triển khai hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Trong đó, cần tập trung thực hiện 3 trọng tâm: Khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động mọi nguồn lực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng... Cơ cấu lại, phục hồi và phát triển một số ngành, lĩnh vực quan trọng đang bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19 như: Thương mại, dịch vụ, vận tải, hàng không, du lịch...
Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chính phủ cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất để tập trung cho vay vốn sản xuất, kinh doanh... Với tính chất quan trọng của các gói hỗ trợ, các bộ, ngành liên quan phải triển khai hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, không để lỡ nhịp với sự phát triển của các nước trong khu vực.
Ở góc độ địa phương, các cấp chính quyền cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động thuận lợi. Phát triển mạnh kinh tế tư nhân; ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo sức mạnh nội sinh cho nền kinh tế. Thường xuyên đối thoại, đồng hành, phát hiện những rào cản để tháo gỡ kịp thời cho doanh nghiệp...
Và trong nhiệm vụ chung, doanh nghiệp với vị trí trung tâm cần nắm chắc tình hình, tận dụng mọi cơ hội, khai thác các động lực tăng trưởng mới. Khi cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp cùng chủ động thích ứng sẽ tạo điểm tựa vững vàng để nền kinh tế phục hồi và phát triển toàn diện hơn trong năm 2022.