Việc nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng kêu oan là không có cơ sở chấp nhận
Pháp đình - Ngày đăng : 20:47, 22/01/2022
Theo đó, luật sư bào chữa cho bị cáo Phan Chí Dũng (nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương) cho rằng, bị cáo phạm tội trong hoàn cảnh khách quan; hậu quả của vụ án đã được ngăn chặn kịp thời. Ngoài ra, luật sư cũng mong Viện Kiểm sát và Hội đồng xét xử xem xét thêm vai trò của bị cáo trong vụ án khi bị cáo Dũng là Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, những đề xuất của bị cáo đều căn cứ vào đề xuất từ phía Sabeco đưa lên.
Từ những luận cứ nêu ra, luật sư đề nghị, Hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng thêm các tình tiết giảm nhẹ, như: Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo tích cực hợp tác với cơ quan chức năng để giải quyết vụ án.
Với các bị cáo khác, các luật sư đều đưa ra những luận cứ tranh tụng tại phiên tòa, nêu thêm các tình tiết giảm nhẹ cho thân chủ, như bị cáo khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, có nhiều đóng góp trong quá trình công tác… để mong Hội đồng xét xử chấp nhận đơn kháng cáo, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Luật sư của bị cáo Vũ Huy Hoàng (nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương, xin xét xử vắng mặt tại phiên tòa) trình bày về những nội dung liên quan đến việc liên doanh liên kết, thoái vốn... và cho rằng, bị cáo không cố ý làm trái các nghị quyết của Chính phủ; việc xác định thiệt hại là chưa phù hợp với thực tế, bị cáo Hoàng không phải là chủ mưu xuyên suốt trong vụ án này...
Đối đáp lại các quan điểm của luật sư của bị cáo Vũ Huy Hoàng, đại diện Viện Kiểm sát cho biết, đã phân tích đánh giá rất cụ thể, đối chiếu với các văn bản, nghị quyết của Chính phủ. Cùng với đó, Viện Kiểm sát nhấn mạnh, trong quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ của lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ trưởng chịu trách nhiệm lãnh đạo toàn diện công việc, tổ chức của Bộ. Việc sắp xếp chuyển đổi mục đích đầu tư tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (thành phố Hồ Chí Minh) là một trong những nội dung do Bộ trưởng phụ trách, bộ phận quản lý vốn nhà nước chỉ thực hiện dựa trên ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương. Do đó, việc đồng ý về mặt chủ trương liên doanh liên kết thực hiện dự án; việc phê duyệt các văn bản, xác định cho thành lập liên danh mới, đồng ý cho thoái vốn, xác định giá sàn… thể hiện ý thức của bị cáo là hoàn toàn cố ý, làm trái với các nghị quyết của Chính phủ.
Với căn cứ nêu trên, Viện Kiểm sát xác định, bị cáo Vũ Huy Hoàng phạm tội với ý thức chủ quan, hoàn toàn cố ý làm thất thoát 2.700 tỷ đồng. Vì vậy, việc truy tố, xét xử đối với bị cáo về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” là đúng người, đúng pháp luật, việc bị cáo kêu oan là không có cơ sở chấp nhận.
Liên quan đến hành vi sai phạm của bị cáo Phan Chí Dũng, theo đại diện Viện Kiểm sát, thời điểm từ năm 2007 đến khi chuyển đổi, Sabeco là doanh nghiệp nhà nước; đồng thời, pháp luật có quy định rõ ràng về trách nhiệm của người quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Như vậy, các bị cáo Hoàng và Dũng phải thực hiện đầy đủ chức năng của người quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Việc bị cáo Dũng tham gia từ đầu vụ việc được thể hiện rất cụ thể trong hồ sơ vụ án, từ việc tìm nhà đầu tư đến đề xuất mức giá…, cho thấy hành vi của bị cáo đã gây ra hậu quả thiệt hại lớn.
Đánh giá tổng thể, toàn diện nội dung vụ án cùng hành vi của từng bị cáo trong vụ án này, Viện Kiểm sát xét thấy, bị cáo Vũ Huy Hoàng là chủ mưu, bị cáo Phan Chí Dũng là đồng phạm với bị cáo Hoàng.
Nhóm các bị cáo ở các sở, ban, ngành phục vụ cho UBND thành phố Hồ Chí Minh là đồng phạm với bị cáo Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh). Hành vi sai phạm của các bị cáo là nối tiếp nhau, giúp sức theo từng lĩnh vực cụ thể trong công việc được phân công, dẫn đến việc UBND thành phố Hồ Chí Minh quyết định giao đất trái quy định pháp luật.
Dự kiến chiều 24-1, phiên tòa sẽ kết thúc.