Canada: Lạm phát kỷ lục thách thức nền kinh tế

Thế giới - Ngày đăng : 09:23, 22/01/2022

(HNM) - Mặc dù khép lại năm 2021 với tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng ở mức 5,6%, song dự báo nền kinh tế Canada vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2022. Tỷ lệ lạm phát cao nhất trong vòng 30 năm, áp lực nợ gia tăng, hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra... là những rào cản khiến nền kinh tế ở xứ sở lá phong có thể phát triển chậm lại trong thời gian tới.

Đại dịch Covid-19 để lại nhiều hậu quả cho nền kinh tế Canada.

Theo trang CBC News, tỷ lệ lạm phát tại Canada trong tháng 12-2021 đã tăng vọt lên mức 4,8%, mức cao nhất kể từ năm 1991. Đáng chú ý, giá thực phẩm tăng 5,2% - mức tăng nhanh nhất trong khoảng 13 năm qua. Chi phí sở hữu nhà ở cũng tăng 5,2% - cao nhất trong khoảng 14 năm. Dữ liệu từ Hiệp hội Bất động sản Canada cho biết, giá nhà tiêu chuẩn ở Canada đã tăng kỷ lục 26,6% vào tháng 12 vừa qua.

Theo các chuyên gia kinh tế, giá cả bị đẩy lên vì nhiều lý do như: Biện pháp giãn cách để kiểm soát đại dịch Covid-19 gây gián đoạn chuỗi cung ứng; tình trạng thiếu lao động khiến lương tăng và nhu cầu với nhiều loại hàng hóa cũng tăng vọt.

Kết quả khảo sát do Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) cho thấy, trong bối cảnh thiếu hụt lao động và các cú sốc về nguồn cung đẩy giá cả lên cao, hầu hết doanh nghiệp và người tiêu dùng đều lo ngại lạm phát sẽ kéo dài. Hiện 2/3 doanh nghiệp của nước này dự đoán lạm phát sẽ duy trì ở mức trên 3% trong 2 năm tới. Đây là áp lực khiến BoC có thể phải sớm đưa ra giải pháp nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Bởi nhiệm vụ của BoC là phải duy trì lạm phát 2%, hoặc trong phạm vi mục tiêu 1-3% mà chính phủ đề ra cho giai đoạn đến cuối năm 2026. Giới phân tích dự báo, thay vì giữ nguyên lãi suất ở mức 0,25% kể từ những ngày đầu của đại dịch tới nay, BoC có thể bắt đầu tăng lãi suất vào tuần tới, mở đầu cho tổng cộng 6 đợt tăng trong năm nay, đưa lãi suất chủ chốt lên 1,75%.

Theo nhận định của Tổ chức hợp tác và phát triển (OECD), bất chấp các tín hiệu phục hồi, Canada vẫn tiếp tục đối mặt với các vấn đề về cơ cấu, chuyển đổi năng lượng và chăm sóc sức khỏe. Hơn nữa, hậu quả từ cuộc khủng hoảng Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến cán cân tài chính của Canada, với tỷ lệ nợ trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của chính phủ liên bang tăng từ 31,2% trong giai đoạn 2019-2020 lên 50,7% trong năm 2022-2023. Điều này đòi hỏi một lộ trình cụ thể trong giai đoạn trung hạn để quản lý nợ nhằm tránh rủi ro đối với sự bền vững tài khóa và trấn an thị trường.

Bên cạnh đó là những vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Canada đang phải đối mặt. Theo ông Michael Tremblay, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tại Tập đoàn Đầu tư Ottawa, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có đóng góp đáng kể (50%) vào GDP của Canada. Tuy nhiên, bất chấp vai trò quan trọng của họ trong nền kinh tế Canada, chỉ 11,7% doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể xuất khẩu hàng hóa, do những thách thức trong việc xác định và theo đuổi các cơ hội kinh doanh mới trên thị trường quốc tế.

Trong thời gian tới, Chính phủ Canada cần xúc tiến nhiều chương trình để tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận các đối tác, nhà đầu tư, khách hàng mới và các cơ hội trao đổi thương mại. Đây sẽ là đòn bẩy quan trọng cho nền kinh tế Canada. Ngoài ra, việc tiếp tục cải thiện hệ thống y tế công cộng, hoàn thiện cơ chế thích hợp để bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng góp phần vào chiến lược ổn định nền kinh tế. Bởi, một lực lượng lao động năng suất và khỏe mạnh mới có thể tạo ra nhiều của cải cho xã hội.

Theo dự đoán của tạp chí Forbes, tăng trưởng kinh tế của Canada năm 2022 chỉ vào khoảng 3,8%. Nếu chính phủ Canada nhanh chóng đưa ra giải pháp khắc phục, bức tranh kinh tế nước này sẽ có những chuyển biến tích cực hơn trong năm 2023.

Quỳnh Dương