Ta ngồi ru mấy câu thơ
Sách - Ngày đăng : 19:17, 22/01/2022
Lê Tiến Vượng đi đều cả hai chân, chân phải vẽ, chân trái làm thơ, phần nhiều là thơ lục bát. Lục bát của Vượng đọc ngắn hơi, cảm thấy anh viết đùa chơi, như trong dân gian các cụ xưa vẫn nói, như cách nói biểu đạt văn vần, nhưng thấm. Câu lục vừa giễu nhại đời sống, còn câu bát cúi xuống nỗi đau của phận nghèo. Có vẻ viết như chơi chơi nhưng nghiêm ngắn, kỹ lưỡng chữ nghĩa. Thơ anh buông vần nhẹ nhàng, nhưng cũng đầy nét sắc sảo trong cách nhìn đàn bà kể tội chồng mà anh chấm phá bằng lục bát: “Chồng chị rồi lại chồng em/ Bao nhiêu thói xấu tật hèn lôi ra...”. Hoặc lúc khuyên nhủ nhẹ nhàng, hóm hỉnh: “Em à em cứ thơ ngây/ Đừng mang cái vẻ ta đây làm gì” để nhắc khéo những cô nàng nửa phố nửa quê, điệu đà hợm hĩnh.
Là họa sĩ, khi vẽ chân dung, đặc biệt là chân dung phụ nữ, sẽ bằng sơn dầu, màu nước, hay chì. Khi vẽ bằng ngôn ngữ, Vượng cũng chọn góc nhìn nhan sắc người đẹp, nhan sắc đàn bà khiến vua chúa cũng trở thành đớn hèn: “Bao nhiêu thành quách lộn nhào/ Đầu rơi máu chảy chiến bào xót xa...”, và: “Ngọc hoàng cũng thế cả thôi/ Oai nghi mấy cũng rụng rời con tim”. Một cách nhìn khác có vẻ bí ẩn khi so sánh: “Thế gian mặt quỷ mặt tiên/ Đàn bà muôn mặt mò tìm chả ra?”. Nếu không có sự bí ẩn của đàn bà thì thi sĩ tìm gì hỡi chàng thi sĩ? Cũng vì sự bí ẩn ấy mới khiến nửa thế giới tìm kiếm và khám phá, làm nên bao thú vị trong đời sống nhân gian này.
Thơ lục bát của Vượng thường đọng lại ở các câu bát để người đọc ngẫm về thế sự: “Kẻ thù giờ ở quanh đây/ Nấp trong những cái bắt tay thầm thì/ Nấp trong những cái phong bì/ Trên bàn rượu ngoại lắm khi... trên giường”. Lục bát thơ của anh đã gióng lên cảnh báo một xã hội hiện đại thu nhỏ với những con người đang tha hóa trượt dài trên đồng tiền, phân bạc, giá trị của vật chất đang xô dạt giá trị tinh thần và tình nghĩa con người. Khiến thơ anh có lúc trĩu nặng nỗi đau: “Khóc đâu nước mắt bời bời/ Buồn đâu dạ cũng tả tơi thế này”.
Sau 10 đầu sách thể hiện lục bát nhuần nhuyễn, đều tay với một tâm thế thẳng ngay nhìn đời sống, nhìn nhiều góc khuất con người, nhìn cả vào vẻ đẹp bí ẩn và cả thói tật hèn đớn của con người, Lê Tiến Vượng không ngại chỉ ra những thói tật của làng quê, rằng cần phải xóa đi cái lạc hậu ẩm ương để văn hóa làng, văn hóa con người được nâng lên ở tầm cao nữa.
Không phải người làm thơ nào cũng thiên hướng về xã hội, cái tôi của Lê Tiến Vượng biết giấu đi, biết khiêm nhường chỉ nhận mình là người bố “dở hơi”, như khi anh tự họa chân dung người bố của con gái mình bằng mấy câu thơ: “Con có ông bố dở hơi/ Buồn vui chả nói chỉ cười long lanh/ Thương phận con gái mỏng manh/ Lắm khi nổi máu tam bành... lại thôi”. Nếu bán cái dở hơi ấy đi để yêu thương con người theo cách của Vượng cũng hữu ích lắm. Vượng làm từ thiện, mang sách vở, áo ấm, ủng giầy cho trẻ em vùng chót vót nơi núi cao, chia sẻ với những gia đình nghèo khó bao gạo, túi ngô bằng những đồng tiền túi kiếm được từ việc vẽ tranh. Anh kêu gọi đồng nghiệp đi thực tế vẽ những bức tranh phong cảnh gắn với đời sống nhân dân bản địa, tặng lại nơi vùng sâu xa ấy, để đem lại giá trị tinh thần cho bà con dân tộc vùng cao.
Ngoài lục bát thơ và những tác phẩm hội họa, Lê Tiến Vượng đóng góp sức mình cho văn hóa cộng đồng, rồi về làm thơ ru mình, cô đơn theo cách của Vượng: “Một mình rượu một mình say/ Một mình tự sướng tự say một mình/ Một mình hát/ Một mình thơ/ Một mình một chợ bán mua một mình”.
Và tôi, bạn đọc thơ anh, tôi đứng về phía cô đơn của người viết để làm những câu thơ lục bát, đắm say về tình yêu non sông Tổ quốc mình. Chắc chắn Lê Tiến Vượng còn đi xa, đi dài rộng lời tự ru vì những câu thơ vốn không có đích.