Gỡ "nút thắt" để hút vốn đầu tư

Kinh tế - Ngày đăng : 07:57, 22/01/2022

(HNM) - Trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (quy hoạch điện VIII), đã có đề nghị bổ sung quy hoạch hàng trăm dự án nguồn điện với quy mô công suất lớn. Trong khi đó, việc phát triển lưới truyền tải đồng bộ với nguồn điện theo từng giai đoạn để giải tỏa công suất lại chưa được quan tâm tương xứng.

Vì thế, nhiều dự án sản xuất điện đang và sẽ hoàn thành nhưng có thể gặp khó khăn trong việc đấu nối, lập phương án truyền tải - phân phối điện. Thực trạng trên gây áp lực lớn đến vận hành lưới điện, là tác nhân gây ra sự cố trong truyền tải. Xét rộng hơn, điều này còn gây lãng phí về nguồn lực, thời gian, quyền lợi của các bên gồm nhà đầu tư, bên mua điện và cả xã hội.

Mặt khác, không ít nhà đầu tư tư nhân mong muốn tham gia đầu tư dự án truyền tải điện, nhưng còn vướng mắc về cơ chế, quy định. Nguyên nhân bắt nguồn từ Khoản 2, Điều 4, Luật Điện lực khi quy định: "Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải", song lại chưa phân định rõ việc độc quyền ở khâu nào trong hoạt động truyền tải. Trong khi đó, Nghị quyết số 55-NQ/TƯ (ngày 11-2-2020) của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra chủ trương thực hiện xã hội hóa đầu tư, phát triển các dự án năng lượng.

Thiết nghĩ, các cơ quan hữu quan cần sớm nghiên cứu, ban hành hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng và có hướng dẫn cụ thể nhằm tháo gỡ "nút thắt" trên, góp phần huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội để đầu tư hệ thống truyền tải đồng bộ, đáp ứng yêu cầu chung. Hiện, các nhà đầu tư tư nhân vẫn đang hy vọng, khi Chính phủ đề xuất sửa Luật Điện lực sẽ đề xuất việc mọi thành phần kinh tế được tham gia đầu tư dự án truyền tải điện.

Minh Anh