Hội tụ và lan tỏa

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:11, 23/01/2022

(HNM) - Âm nhạc Việt Nam đang ghi những dấu ấn trên con đường phát triển và chinh phục khán thính giả. Đặc biệt, sự xuất hiện của các ca sĩ, nhạc sĩ trẻ có lòng đam mê, nhiệt huyết mạnh mẽ đã mang đến “luồng gió mới” với những tác phẩm hấp dẫn, hướng đến các giá trị tốt đẹp của dân tộc.

Sự chuyển động nổi bật và tích cực là chủ đề sáng tác của các nhạc sĩ hiện nay rất đa dạng, ngày càng khẳng định được nét riêng của âm nhạc Việt.

Các tác phẩm đều tập trung truyền tải thông điệp tôn vinh vẻ đẹp văn hóa, con người và đất nước Việt Nam. Hơn thế, nhiều sáng tác vừa phù hợp với xu thế nghe nhạc của khán thính giả, vừa kêu gọi cộng đồng hưởng ứng các nhiệm vụ lớn đang đặt ra đối với quốc gia, dân tộc, qua đó góp phần đánh thức trái tim yêu nước của mọi người dân đất Việt.

Nhìn chung, các tác phẩm đều được các ca sĩ, nhạc sĩ đầu tư kỹ lưỡng từ phần nghe đến phần nhìn. Đặc biệt, có những tác phẩm đã khéo léo vận dụng chất liệu dân gian hoặc từ những tác phẩm văn học, biến tấu đầy sáng tạo ra những sản phẩm âm nhạc độc đáo, thu hút được lượng lớn khán giả theo dõi, thưởng thức.

Chưa dừng ở đó, ngoài góp phần tích cực đưa âm nhạc Việt trở lại với khán giả trong nước theo đúng quỹ đạo vốn có, nhiều ca sĩ, nhạc sĩ còn thể hiện khát vọng bay cao, bay xa hơn nhằm ghi tên Việt Nam trên bản đồ âm nhạc quốc tế.

Theo cách tiếp cận này, một trong những vấn đề căn cốt cho cả trước mắt và lâu dài là xây dựng, hình thành đội ngũ kế cận gồm các nhạc sĩ trẻ có tài năng và ý thức xã hội để tiếp thu được tinh hoa âm nhạc thế giới, nhưng không “quay lưng” với dân tộc - cội nguồn. Chỉ như vậy mới có được những tác phẩm âm nhạc chất lượng cao cả về nghệ thuật và nội dung. Quan trọng hơn là làm sao cho âm nhạc Việt “hội nhập mà không hòa tan”, dần “vươn tầm” ra thế giới.

Điều quan trọng là các ca sĩ, nhạc sĩ phải giữ vững quan điểm, phương châm xây dựng một nền âm nhạc dân tộc hiện đại; kiên định con đường phát triển ba dòng âm nhạc: Âm nhạc dân gian dân tộc, âm nhạc kinh điển - hàn lâm và âm nhạc đại chúng. Sự kết hợp của các dòng nhạc phải vừa hài hòa, vừa chặt chẽ và gắn liền với phương châm đi lên từ dân tộc, từng bước hiện đại, hội nhập quốc tế, hòa quyện giữa bản sắc dân tộc với nội dung nhân văn, tiến bộ trong thời đại mới.

Cùng với đó, việc giáo dục thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng, đặc biệt là người trẻ cần được quan tâm, chú trọng; góp phần để mọi đối tượng có thể thưởng thức các loại hình âm nhạc khác nhau trong môi trường âm nhạc lành mạnh, bổ ích, loại trừ những “thị hiếu” lai căng, bắt chước tùy tiện, dễ dãi cả trong việc sáng tác, biểu diễn và hưởng thụ âm nhạc. Ngành Văn hóa cùng các cấp, ngành chức năng cần xác định rõ trách nhiệm trong xây dựng, hoàn thiện cơ chế phù hợp nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp cho âm nhạc phát triển. Đặc biệt là cần coi trọng và đề cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động sáng tác, biểu diễn, phê bình lý luận và đào tạo.

Ngoài những điều kiện nội tại và nỗ lực tự thân, việc đẩy mạnh giao lưu quốc tế về âm nhạc cũng là yếu tố không thể thiếu để bồi đắp thêm những thành tựu âm nhạc của đất nước và đóng góp, ghi dấu ấn vào kho tàng âm nhạc thế giới.

Với thế mạnh hội tụ và lan tỏa, các giá trị âm nhạc của dân tộc đang được các ca sĩ, nhạc sĩ tích cực sáng tạo, cống hiến với mong muốn đưa những điều tốt đẹp, giá trị nhân văn tới cộng đồng, đồng thời góp phần phát triển công nghiệp văn hóa.

Bắc Vũ