Châu Âu trước nỗi lo ''dịch kép'': Thêm gánh nặng cho hệ thống y tế

Thế giới - Ngày đăng : 06:39, 23/01/2022

(HNM) - Chật vật để ứng phó với đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp do sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron, châu Âu tiếp tục phải đối mặt với một thách thức mới trước sự gia tăng các ca nhiễm cúm vào mùa đông. Điều này khiến giới chức y tế lo ngại về việc “dịch kép” sẽ tạo gánh nặng cho hệ thống y tế vốn đang chịu sức ép lớn ở châu lục này.

Các ca nhiễm cúm gia tăng vào mùa đông trong khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp gây áp lực cho hệ thống y tế tại châu Âu.

Hãng tin Reuters nhận định, dịch cúm đã quay trở lại châu Âu với tốc độ nhanh hơn dự kiến vào mùa đông năm nay. Theo số liệu của Liên minh châu Âu (EU), các biện pháp phong tỏa, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội được áp dụng tại châu lục này nhằm phòng, chống dịch Covid-19 cũng đã “đánh bật” dịch cúm vào mùa đông năm ngoái, tạm thời ngăn chặn loại vi rút cúm gây ra khoảng 650.000 ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. Nhưng điều này đã thay đổi trong bối cảnh các quốc gia nới lỏng những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt khi tỷ lệ tiêm chủng tăng.

Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) trong tháng này cho thấy, kể từ giữa tháng 12-2021, vi rút cúm đã lây lan ở châu Âu với tỷ lệ cao hơn dự kiến. Dữ liệu của ECDC và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ ra rằng, số người nhiễm cúm phải điều trị ở khu vực chăm sóc đặc biệt (ICU) tại châu Âu đã tăng đều đặn lên mức cao nhất là 43 người vào tuần cuối cùng của năm ngoái. Con số này thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch, khi các ca nhiễm cúm hằng tuần tại ICU đạt đỉnh điểm là hơn 400 ca vào cuối năm 2018. Song đây là một sự gia tăng lớn so với năm 2020, khi chỉ có 1 ca nhiễm cúm tại ICU trong cả tháng 12.

Trang Firstpost dẫn bản tin của WHO cho biết, số trường hợp mắc bệnh cúm (do vi rút cúm gây ra) được phát hiện ở khu vực châu Âu cao hơn mức mà WHO dự kiến trong tuần thứ hai liên tiếp. Điều này cho thấy, cúm mùa đã bắt đầu diễn biến phức tạp. Một vấn đề nữa là, chủng cúm chủ đạo lưu hành cho đến nay là vi rút A/H3, thường gây ra các trường hợp nặng nhất ở người cao tuổi. Trong khi đó, hệ thống y tế châu Âu cũng đang chịu áp lực lớn khi số ca mắc Covid-19 tiếp tục gia tăng và lây lan với tốc độ chưa từng có. Pháp, Đức, Anh và các quốc gia khác đã chứng kiến số ca mắc mới kỷ lục. Tỷ lệ nhập viện và tử vong thấp hơn trước, song quy mô lây lan của Omicron khiến số ca nhập viện ở châu Âu vẫn đang tăng. 

Mặc dù vậy, nhiều nước châu Âu đang có ý tưởng tiếp cận Covid-19 như đối phó với bệnh cúm hay bệnh sởi. Điều này đồng nghĩa với việc chấp nhận rằng các ca lây nhiễm sẽ xảy ra, cần tập trung chăm sóc cho những người có nguy cơ cao và triệu chứng bệnh nặng. 

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã bày tỏ mong muốn EU xem xét những thay đổi trong cách tiếp cận khi sự lây lan của biến chủng Omicron cho thấy tỷ lệ tử vong thấp hơn. Song WHO thì cho rằng còn quá sớm để xem xét bất kỳ sự thay đổi tức thời nào. Trong khi đó, chuyên gia hàng đầu về cúm của ECDC Pasi Penttinen cho rằng, việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế vào mùa xuân có thể khiến sự lây lan của bệnh cúm vượt xa thời điểm bình thường của mùa dịch ở châu Âu.

Theo trang Euronews, WHO đã cảnh báo “cánh cửa đang đóng lại” đối với các quốc gia châu Âu trong việc ngăn hệ thống y tế khỏi quá tải khi biến chủng Omicron khiến số ca mắc mới Covid-19 tăng vọt. Rất ít hệ thống y tế được xây dựng đủ linh hoạt để xử lý một cuộc khủng hoảng như Covid-19, nhất là khi các đợt dịch liên tiếp khiến các hệ thống y tế không kịp điều chỉnh. Bởi vậy, sự gia tăng ngoài dự đoán của các ca mắc cúm càng khiến tình hình khó khăn hơn, đặc biệt là với hệ thống y tế.

Minh Hiếu