Thêm trân trọng nét đẹp trong văn hóa Tết

Văn hóa - Ngày đăng : 06:00, 23/01/2022

(HNMCT) - Những ngày giáp Tết, thật thú vị khi ở nhiều trung tâm văn hóa lại sôi động các hoạt động nhớ về Tết xưa. Nhiều tư liệu được trưng bày, nhiều hoạt động truyền thống được phục dựng, mang đến cho công chúng những phút giây dường như tĩnh lại để hoài niệm về Tết xưa, để thấy hương vị Tết truyền thống thật đậm đà.

Với hơn 100 tài liệu lưu trữ quý được sắp đặt sống động, triển lãm “Tết xưa” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thuộc Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước tổ chức (tại trụ sở số 5 Vũ Phạm Hàm, quận Cầu Giấy) là một điểm đến thú vị để tìm hiểu về Tết.

Qua tài nghệ thiết kế của họa sĩ, “Tết xưa” hiện lên đầy thú vị với những phong tục đẹp trong dịp Tết, thể hiện cốt cách, tinh thần dân tộc. Ở đây, người xem có thể tìm hiểu văn hóa du xuân, văn hóa lễ hội từ thành thị tới nông thôn, phong tục đốt pháo ngày Tết, mua chữ ông đồ, cho đến những nghi lễ Tết trong triều đình, cả những văn, thơ, họa đăng báo Tết thời Pháp thuộc.

Khá thú vị là những tư liệu quý được lưu giữ cẩn thận như công văn thông báo lịch nghỉ Tết, các nghi lễ Tết, chúc Tết của triều đình nhà Nguyễn và của chính quyền thực dân Pháp, các bản tấu về việc dâng lễ vật lên triều đình hay quan lại trong dịp Tết với số lượng, chủng loại được ghi công khai, sớ dâng xin ý kiến đồng ý cho việc dâng quà biếu...

Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cũng vừa thông báo đến công chúng chương trình mừng Đảng, mừng Xuân Nhâm Dần 2022 với chủ đề “Tiến lịch đón xuân” sẽ được tổ chức nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa cung đình Thăng Long xưa tại Hoàng thành Thăng Long, bắt đầu từ ngày 25-1 tới.

Chương trình diễn giải tư liệu và hình ảnh về quy trình làm lịch cũng như ban hành lịch của triều đình nhà Lê; phỏng dựng bìa sách ngự lịch tiến vua; tái hiện nghi lễ cung đình tiến lịch. Trung tâm còn trưng bày không gian phong tục Tết truyền thống như phong tục cúng gia tiên, tục treo tranh Tết, câu đối Tết. Một số chuyên gia cũng được mời đến đây để trò chuyện trực tiếp với công chúng xung quanh chủ đề Tết như Giáo sư Lê Văn Lan nói chuyện về việc đón Tết của người Việt; nghệ nhân khắc mộc bản Nguyễn Văn Thạo giới thiệu và trình diễn kỹ thuật khắc ván độc đáo và cổ xưa...

Ngoài ra, còn rất nhiều hoạt động nhớ Tết xưa, thưởng thức văn hóa Tết truyền thống được tổ chức ở các không gian văn hóa nhỏ hay trực tuyến. Những hoạt động này không chỉ mang đến cho công chúng trải nghiệm thú vị mà còn giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về truyền thống văn hóa của dân tộc, từ đó thêm trân trọng nét đẹp trong văn hóa Tết. 

Song Nhật