Nâng cao chất lượng hàng Việt tại Thái Lan
Kinh tế - Ngày đăng : 07:25, 29/01/2023
Ông Paul Le, Phó Chủ tịch Central Retail Việt Nam chia sẻ, từ giữa tháng 11-2022, 29 siêu thị Top Mart tại Thái Lan đã nhập trái nhãn của Cần Thơ và Đồng Tháp để tiêu thụ tại hệ thống siêu thị này. Trong đó, 1kg nhãn có giá 139 baht tương đương (96.000 đồng).
Cùng với trái nhãn, một số loại trái cây của Việt Nam như thanh long có giá 119 baht/kg (82.000 đồng/kg); khoai lang giá 99 baht/kg (68.000 đồng/kg)… và các thương hiệu thực phẩm đóng gói của Việt Nam như Mr.Viet (cà phê), Bibica, Vifon, Trung Nguyên, Vinamit, Hải Bình (hạt điều), Hồ Tiêu Việt... cũng đã có mặt tại siêu thị này.
Để các mặt hàng nông sản có mặt tại thị trường Thái Lan như kể trên, cơ quan quản lý, doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động. Trong số này, "Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan" là hoạt động thường niên do Bộ Công Thương và Central Retail Việt Nam phối hợp tổ chức. Qua 5 năm đã hỗ trợ kết nối hơn 400 doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam quảng bá sản phẩm địa phương sang thị trường Thái Lan.
Bà Jariya Chirathivat, Phó Chủ tịch Điều hành, phát triển kinh doanh Tập đoàn Central Group kiêm Chủ tịch Central Retail tại Việt Nam khẳng định: “"Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan" là một trong những hoạt động mà Central Retail tại Việt Nam hằng năm rất chú trọng”.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Đỗ Thắng Hải, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan đang ngày càng phát triển, đặc biệt từ khi Việt Nam và Thái Lan nâng quan hệ lên thành đối tác chiến lược năm 2013. Thái Lan hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Thái Lan trong ASEAN (sau Malaysia) năm 2021. Bên cạnh đó, Việt Nam - Thái Lan và các nước ASEAN khác cùng tham gia vào nhiều hiệp định, thỏa thuận thương mại song phương và đa phương như Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), các hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với các nước đối tác và đặc biệt phải kể đến là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), là hiệp định thương mại tự do lớn nhất, vừa có hiệu lực từ đầu năm 2022.
Còn theo Cục trưởng Cục Công tác phía Nam (Bộ Công Thương) Nguyễn Vân Nga, Việt Nam và Thái Lan đang ngày càng có sự gắn kết chặt chẽ và có sự phối hợp tích cực trong thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng trao đổi thương mại giữa hai nước vẫn đạt gần 19 tỷ USD, là mức kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước Việt Nam và Thái Lan cao nhất từ trước tới nay.
Chia sẻ thêm về thị trường Thái Lan, ông Nguyễn Thành Huy, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho hay, người tiêu dùng Thái Lan ưa chuộng sản phẩm chế biến sẵn, đóng gói với nhiều kích thước. Thực phẩm cũng là phân khúc mục tiêu của doanh nghiệp Việt, tuy nhiên đang có sự cạnh tranh rất quyết liệt giữa các nhà xuất khẩu. Với mặt hàng này, hệ thống phân phối đã khá hoàn thiện, hơn nữa Thái Lan bảo hộ khá ngặt nghèo với ngành công nghiệp thực phẩm nên nhập khẩu cũng khó khăn.
Do đó, nếu doanh nghiệp Việt không có chiến lược thị trường, sản phẩm cụ thể sẽ rất khó cạnh tranh. Mặt khác, kênh phân phối tại Thái Lan khá đa dạng, gồm chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi, siêu thị và đại siêu thị. Mỗi kênh có đặc thù riêng về giá cả, bao bì đóng gói, vì vậy doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu kỹ lưỡng.
Đồng tình với chia sẻ này, ông Paul Le, Phó Chủ tịch Central Retail Việt Nam cho rằng, điều các doanh nghiệp Việt phải lưu ý là nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm chế biến hơn, vấn đề bao bì và xây dựng thương hiệu. “Chúng tôi muốn đem tất cả những gì thị trường Thái Lan đang thiếu, những sản phẩm tốt nhất từ thị trường Việt Nam đến với người tiêu dùng Thái Lan và thế giới. Chúng tôi sẽ tìm cách làm các sản phẩm Việt Nam trở nên phong phú, đa dạng hơn, để người dân Thái Lan không chỉ ăn gạo Việt Nam mà còn uống cà phê Việt Nam, ăn cá ba sa Việt Nam…”, ông Paul Le cho biết.