Tạo nền tảng vững chắc
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:35, 24/01/2022
Thực tế, không khó bắt gặp hành vi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông, như không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, đi sai làn đường, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông... Ở đô thị, lối đi kiểu "điền vào chỗ trống" xuất phát từ sự thiếu ý thức tôn trọng pháp luật, không biết nhường nhịn, quen tranh giành, diễn ra phổ biến là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông. Trên tuyến quốc lộ, không ít vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra do lái xe sử dụng rượu, bia, ma túy, chất kích thích, chạy quá tốc độ quy định.
Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, năm 2021, cả nước xảy ra 11.495 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.799 người, bị thương 8.018 người. So với năm 2020, tai nạn giao thông giảm ở cả 3 tiêu chí: Số vụ giảm hơn 23%, số người chết giảm hơn 15%, số người bị thương giảm hơn 28%. Tuy nhiên, mức độ giảm tai nạn giao thông chưa tương xứng với mức độ giảm lưu lượng giao thông; vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ vẫn còn nhiều, phức tạp..., mà nguyên nhân là do một bộ phận người dân thiếu kỹ năng về an toàn giao thông; cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức cho công tác bảo đảm an toàn giao thông, một số quy định chậm ban hành...
Do đó, kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn chính là đòi hỏi của thực tiễn.
Văn hóa giao thông là ý thức, là thái độ của mọi người dân khi tham gia giao thông. Văn hóa giao thông thể hiện trình độ phát triển của con người trong giao thông, qua cách ứng xử, chấp hành quy định pháp luật, tuân thủ các chuẩn mực về đạo đức. Các hành vi ứng xử trước hết phải xuất phát từ sự tự giác, gương mẫu và tôn trọng từ mỗi cá nhân. Vì thế, xây dựng văn hóa giao thông không phải là việc ngày một, ngày hai. Văn hóa giao thông an toàn phải được đưa vào bài học trong các nhà trường để hình thành ý thức cho trẻ. Cha, mẹ cũng phải ý thức, gương mẫu chấp hành quy định bảo đảm an toàn giao thông, chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông để trẻ học theo. Một đứa trẻ được tiếp thu văn hóa giao thông an toàn ngay từ bé sau này chắc chắn sẽ là những công dân tham gia giao thông có văn hóa.
Văn hóa giao thông cũng cần cụ thể hóa trong các quy định, gắn với việc kiểm tra, xử lý vi phạm, để từ các hành vi tham gia giao thông an toàn, chấp hành quy định trở thành ý thức tự giác của mỗi cá nhân, trở thành văn hóa giao thông an toàn của xã hội.
Bên cạnh đó, để có được giao thông an toàn cũng cần phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu phát triển và từng bước hiện đại hóa, từ đó điều chỉnh, hình thành hành vi tham gia giao thông văn minh, an toàn. Trước mắt, tuyên truyền văn hóa giao thông an toàn có vai trò quan trọng và không thể thiếu nên phải được thực hiện bằng nhiều hình thức, thường xuyên và liên tục; tuyên truyền kết hợp vận động, hướng dẫn, lồng ghép với thực hiện mục tiêu bảo đảm trật tự an toàn giao thông, với chương trình, kế hoạch hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường... Xây dựng văn hóa giao thông an toàn không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý, trách nhiệm của người thực thi công vụ mà còn là trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và từng người dân.
Cùng với yêu cầu kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chủ trì, phối hợp với các cơ quan thành viên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập đề án xây dựng, phát triển văn hóa giao thông an toàn giai đoạn 2022-2030, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, các cơ quan thành viên Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, ban an toàn giao thông các tỉnh, thành phố, các cơ quan thông tấn, báo chí tăng thời lượng, mở chuyên mục mới nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông; linh hoạt phương thức tuyên truyền trên hạ tầng số, mạng xã hội, phát huy vai trò hệ thống truyền thanh ở cơ sở để tuyên truyền về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Xây dựng văn hóa giao thông an toàn trước mắt góp phần hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông trong điều kiện hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội; nhưng về lâu dài, đây là nền tảng vững chắc cho môi trường giao thông hiện đại, văn minh, an toàn thân thiện, vì con người.