Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Nhật Bản hội đàm trực tuyến: Chung chiến lược về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Thế giới - Ngày đăng : 07:37, 24/01/2022
Đây là hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida kể từ khi ông Fumio Kishida nhậm chức vào tháng 10-2021. Các nhà phân tích cho rằng, việc tìm kiếm "điểm chung" của Tokyo với Washington dưới thời nhà lãnh đạo mới của Nhật Bản có sức nặng đối với Mỹ. Bằng cách nhấn mạnh những "điểm chung", Tổng thống Mỹ Joe Biden đã xây dựng mối quan hệ với cựu Thủ tướng Yoshihide Suga, và ông cũng hy vọng điều này với nhà lãnh đạo mới của Nhật Bản F.Kishida.
Cuộc hội đàm diễn ra sau các cuộc họp liên quan đến an ninh khu vực có sự tham gia của các nhà lãnh đạo khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Cuộc thảo luận “2+2” giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Nhật Bản - Pháp ngày 20-1, hội đàm giữa các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Anh - Australia ngày 21-1. Sau cuộc hội đàm với Pháp, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo cho biết, tình hình an ninh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không ổn định và "đang trở nên khó khăn hơn". Thế nên, tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến kéo dài 1 giờ 20 phút, hai nhà lãnh đạo hàng đầu của Mỹ và Nhật Bản đã nhất trí hợp tác để hiện thực hóa chiến lược "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", đồng thời thảo luận nhiều nội dung xoay quanh các vấn đề liên quan tới xung đột Nga - Ukraine, các vấn đề liên quan đến Triều Tiên.
Theo đó, Mỹ - Nhật Bản cam kết hợp tác chặt chẽ nhằm ngăn chặn xung đột Nga - Ukraine bùng phát và "giữ liên lạc chặt chẽ với các đồng minh và đối tác khác, tiếp tục duy trì quan điểm rằng bất kỳ cuộc tấn công nào cũng sẽ bị đáp trả quyết liệt”.
Các nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật Bản cũng bày tỏ lo ngại trước các vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên và tuyên bố Washington sẽ hợp tác chặt chẽ với Tokyo và Seoul để ngăn cản "các hành động khiêu khích có thể xảy ra sau này". Việc Triều Tiên thử tên lửa siêu thanh được coi là một tín hiệu cho thấy Bình Nhưỡng không muốn sớm tái gia nhập các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa và muốn tập trung vào việc tăng cường kho vũ khí của mình. Mỹ và Nhật Bản hy vọng sẽ phối hợp cũng như tìm cách đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán hạt nhân.
Trước thềm hội nghị trực tuyến này, Mỹ và Nhật Bản đã tổ chức cuộc họp trực tuyến "2+2" giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng, với một thỏa thuận mới kéo dài 5 năm về việc chia sẻ chi phí cho sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Nhật Bản, nhằm "làm sâu sắc hơn hợp tác quốc phòng”. Theo các điều khoản của thỏa thuận đăng cai có hiệu lực đến năm 2026, Nhật Bản sẽ chi khoảng 1,82 tỷ USD hằng năm để hỗ trợ sự hiện diện quân sự của Mỹ. Washington có khoảng 55.000 quân tại Nhật Bản, bao gồm cả lực lượng hải quân, đưa Nhật trở thành quốc gia mà quân đội Mỹ đồn trú lớn nhất trên thế giới. Điều này cho thấy ý định tăng cường hợp tác quân sự Nhật - Mỹ và duy trì năng lực quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Theo Lầu Năm Góc, Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Mỹ - Nhật đã tái khẳng định tầm quan trọng của liên minh 70 năm này. Dù đối mặt với một số thách thức, nhưng sự đoàn kết và thể hiện vai trò lãnh đạo của Nhật Bản và Mỹ là "nền tảng của hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".