Sớm hoàn thành mục tiêu

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:05, 25/01/2022

(HNM) - Giải ngân vốn đầu tư công được coi là một trong những đòn bẩy để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, năm 2021, thành phố Hà Nội xác định thúc đẩy đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm “bù đắp” thiếu hụt tăng trưởng, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp, tập trung tháo gỡ, xử lý những “điểm nghẽn” về giải ngân vốn đầu tư công… Nhờ đó, công tác này thu được những kết quả tích cực, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 68,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đặc biệt, nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt như quận Hoàng Mai 100%, quận Đống Đa 99,9%, huyện Đan Phượng 98,7%...

Tuy có những chuyển biến tích cực, song hoạt động giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, trong đó nhiều đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp. Ngoài nguyên nhân do dịch Covid-19, có thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội khiến tiến độ thi công và giải ngân bị ảnh hưởng; giá nguyên, vật liệu đầu vào tăng cao gây ra không ít khó khăn cho nhà thầu… thì sự thiếu quyết liệt của một số địa phương, chủ đầu tư dẫn đến chậm tiến độ thực hiện thi công, hoàn thành thủ tục giải ngân vốn đã giao.

Hà Nội là địa phương có nguồn vốn đầu tư công lớn. Trong điều kiện khó khăn do dịch Covid-19, việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công có vai trò như “đòn bẩy” vực dậy sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để kỳ vọng này đạt được như mong muốn, cần sự quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và chủ đầu tư.

Mục tiêu của thành phố trong năm 2022, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7-7,5%. Để góp phần hoàn thành mục tiêu này, các đơn vị cần tập trung thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, cần tiếp tục phát huy vai trò, hiệu quả của 6 tổ công tác trong việc rà soát và phối hợp thúc đẩy giải ngân; thường xuyên tổ chức những cuộc họp chuyên đề, tìm hiểu sâu các vấn đề tồn tại của từng lĩnh vực, từng “điểm nghẽn” để tháo gỡ, xử lý cụ thể, sát với yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các cá nhân vi phạm và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết cắt giảm vốn của các dự án không giải ngân được để bổ sung nguồn vốn chi trả nợ, thu hồi vốn ứng trước...

Đối với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành từ nay đến hết năm 2022; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư, dự án, bảo đảm tiến độ thi công công trình; khẩn trương lập hồ sơ nghiệm thu, thanh toán ngay khi khối lượng công việc hoàn thành...

Về phía các chủ đầu tư, chủ dự án cần tập trung triển khai các dự án để kịp thời có khối lượng cho giải ngân. Cùng với đó, kịp thời báo cáo ngay cấp có thẩm quyền về các vướng mắc phát sinh trong từng khâu thực hiện dự án để có biện pháp xử lý kịp thời...

Với sự vào cuộc trách nhiệm, đồng bộ của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và sự nỗ lực của chủ đầu tư, nhà thầu, có thể tin tưởng thành phố Hà Nội sẽ sớm hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, góp phần quan trọng phục hồi và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Quỳnh Anh