Giảm ùn tắc nhờ mở rộng lòng đường

Giao thông - Ngày đăng : 06:21, 25/01/2022

(HNM) - Dù có nhiều tiếc nuối khi những hàng cây xanh bị đánh chuyển, những thảm cỏ tạo cảnh quan trên dải phân cách phải bóc lên để phục vụ các dự án mở rộng mặt đường, song nhờ vậy, tình trạng ùn tắc giao thông tại các tuyến đường đã giảm đáng kể. Các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội cũng đã có nhiều giải pháp phù hợp để tiết kiệm chi phí khi thực hiện dự án.

Một trong những dự án đầu tiên thực hiện xén dải phân cách giữa là đường Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa). Ảnh: Tuấn Khải

Xén dải phân cách để xóa ùn tắc giao thông

Từ năm 2016, thành phố Hà Nội bắt đầu triển khai xén dải phân cách giữa một số tuyến đường để mở rộng lòng đường, giảm ùn tắc giao thông. Một trong những dự án được thực hiện đầu tiên là tuyến đường Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh, từng được coi là tuyến đường đẹp nhất của Thủ đô. Từ kinh nghiệm của dự án đầu tiên, một số tuyến đường khác của Hà Nội cũng lần lượt được thu hẹp dải phân cách giữa, như: Vành đai 2 (đường Láng); Vành đai 3 (Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Nghiêm Xuân Yêm), Đại lộ Thăng Long, Liễu Giai, Đào Tấn và mới nhất là đường Hoàng Quốc Việt đoạn từ nút giao Bưởi đến nút giao Phạm Văn Đồng.

Đề cập tới lý do phải xén dải phân cách giữa để mở rộng lòng đường, Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) Hoàng Văn Hùng cho biết, các tuyến đường trên đều là trục chính. Tốc độ gia tăng quá nhanh của phương tiện cá nhân khiến tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng. Nhiều vị trí đã trở thành các “điểm nghẽn” giao thông như: Nút giao Phan Kế Bính, Thụy Khuê (trên trục đường Liễu Giai), nút giao chùa Láng (trên đường Nguyễn Chí Thanh), ngã tư Hoàng Quốc Việt - Trần Cung (trên đường Hoàng Quốc Việt)…

Trước khi thu hẹp dải phân cách, bề rộng mặt đường chỉ từ 4 đến 6 làn xe, quá tải phương tiện đã khiến tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra kể cả ở khung giờ thấp điểm. Thực tế cho thấy, sau khi triển khai, bề rộng mặt đường được mở rộng trung bình 8 làn xe, năng lực lưu thông tăng đáng kể. Cùng với đó, giao thông được tổ chức lại bằng đèn tín hiệu, các điểm giao cắt phù hợp với lưu lượng phương tiện đã giúp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.

Là người thường xuyên lưu thông trên đường Liễu Giai, Đào Tấn, ông Nguyễn Đức Thắng (ngõ 35, phố Kim Mã Thượng, phường Cống Vị, quận Ba Đình) nhận xét: “Cũng thấy chút tiếc nuối khi những hàng cây, thảm cỏ đẹp phải đánh chuyển, phá dỡ để mở rộng mặt đường, nhưng sau khi mở rộng đường, việc đi lại của người dân thuận lợi hơn rất nhiều, bớt cảnh ùn tắc, ô nhiễm”.

Lãng phí hay không?

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ việc xén dải phân cách giữa để tăng diện tích mặt đường, không ít người cũng lo ngại đến sự lãng phí về quỹ đất, gây ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị cũng như cách “ứng xử” với những hàng cây xanh sau khi phải đánh chuyển.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) Hoàng Văn Hùng cho biết, để tránh lãng phí trong đầu tư dự án nói chung và hạng mục cây xanh nói riêng, trước khi lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật để báo cáo UBND thành phố Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã tổ chức các đoàn chuyên gia, tổ công tác chuyên ngành rà soát, đánh giá tình trạng cây xanh trên toàn tuyến gồm: Cây bóng mát, cây mảng, cây khóm… về độ tuổi, tình trạng phát triển của các loại cây, từ đó đưa ra các phương án tận dụng tối đa số lượng cây còn phát triển được để đưa vào dự án mà không đề xuất mua mới, trồng mới. Cây già cỗi, không còn khả năng phát triển, gây nguy hiểm trong mùa mưa bão, không nằm trong danh sách cây đô thị thì mới chặt hạ. Điển hình như tại dự án xén dải phân cách giữa để mở rộng đường Hoàng Quốc Việt từ 6 làn xe lên 8 làn xe đang được triển khai, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông sẽ không mua mới mà tận dụng toàn bộ số cây hiện có. Số lượng cây còn lại được đánh chuyển về trồng tại các tuyến đường thuộc huyện Quốc Oai và nút giao Đại lộ Thăng Long - đường 70 nhằm bảo đảm mỹ quan đô thị và tiết kiệm chi phí.

Về vấn đề quỹ đất, thực tế dải phân cách trên các tuyến đường Hà Nội đang triển khai dự án thu hẹp để mở rộng lòng đường là quỹ đất dự phòng phục vụ giao thông. Trước đây, do chưa sử dụng nên thành phố đã cho trồng hoa, cây, cỏ để tạo cảnh quan. Đến nay theo khảo sát, lưu lượng phương tiện trên một số tuyến đã quá tải, tạo ra ùn tắc tại các nút giao, do vậy cần phải xén bớt dải phân cách để mở rộng lòng đường, giải quyết xung đột giao thông.

“Theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, các dự án phải bảo đảm sau khi hoàn thiện, cảnh quan đô thị trên các tuyến đường được cải thiện. Cụ thể, cây xanh được trồng, thiết kế thành nhiều tầng, nhiều chủng loại, được bố trí hài hòa, hợp lý. Cùng với đó, các dự án cũng phải hoàn thiện hệ thống sơn kẻ đường, biển báo, đèn tín hiệu giao thông, chiếu sáng đồng bộ sau khi mở rộng mặt đường”, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn cho biết.

Tuấn Lương