Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp Tết Nhâm Dần

Đời sống - Ngày đăng : 13:15, 26/01/2022

(HNMO) - Sáng 26-1, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.

 Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến.

Tham dự tại điểm cầu trụ sở UBND thành phố có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai, Trưởng Tiểu ban Truyền thông - Ban Chỉ đạo thành phố; Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thành phố, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành của thành phố.

Xuất hiện người nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng

Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, tuần qua (từ ngày 19-1 đến 25-1), trung bình thành phố ghi nhận 2.902 ca/ngày. Số ca mắc cơ bản đang được kiểm soát tốt, song dự báo tuần tiếp theo có thể ghi nhận mức giảm "giả tạo" do người dân về quê đón Tết và sẽ tăng trở lại sau Tết. Cùng với đó, công tác phòng, chống dịch vẫn được tổ chức quyết liệt. Tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong vẫn trong giới hạn kiểm soát.

Theo đại diện Sở Y tế, Hà Nội đang ở cấp độ 2 trong phòng, chống dịch Covid-19. Thành phố đã ghi nhận 14 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron, trong đó có 1 trường hợp tại cộng đồng. Như vậy, biến chủng mới đã có tại Thủ đô, nguy cơ phát tán ra cộng đồng là hoàn toàn có thể, do đó, cần tiếp tục theo dõi sát và áp dụng các biện pháp kiểm soát lây nhiễm chặt đối với các chuỗi lây nhiễm biến chủng này.

Đến nay, thành phố đã tiêm được 14.541.317 mũi vắc xin phòng Covid-19, trong đó có 241.072 mũi bổ sung và 2.193.061 mũi nhắc lại. Thành phố phấn đấu hoàn thành tiêm phủ mũi 3 trong quý I-2022; đồng thời giao các quận, huyện, thị xã tổ chức các điểm tiêm cố định, lưu động xuyên Tết; tuyên truyền, vận động người dân tham gia chiến dịch tiêm chủng mùa xuân. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác điều trị tại các tầng; kiểm soát chặt người nhập cảnh, tăng cường giám sát phát hiện biến chủng mới Omicron…

Tập trung giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tầng

Tại phiên họp, lãnh đạo các quận, huyện: Thạch Thất, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Mỹ Đức... đã báo cáo về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, tập trung cao điểm dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; công tác theo dõi, quản lý, xử lý, tiếp nhận thông tin đối với các trường hợp F0 điều trị tại nhà; việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ các đối tượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19; đưa ra các kiến nghị, đề xuất với thành phố.

Tại phiên họp, đại diện Sở Tài chính đã báo cáo công tác chi trả chế độ cho các lực lượng phòng, chống dịch Covid-19, việc mua sắm trang thiết bị phục vụ chống dịch của thành phố. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo về việc giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong xử lý chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2. Đại diện Bộ Tư lệnh Thủ đô báo cáo về công tác bàn giao cho các địa phương, trường đại học, cao đẳng các cơ sở từng được sử dụng là nơi thu dung, điều trị F0 trước đây.

Tại phiên họp, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà lưu ý, các ca mắc vẫn tăng cao, trong đó số ca mắc cộng đồng chiếm khoảng 30%. Nhận định sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, số ca mắc tại thành phố sẽ tăng cao hơn nữa do giao lưu, giao thương của người dân dịp này lớn, ngành Y tế đã xây dựng các phương án phòng, chống dịch, trong đó bảo đảm được mục tiêu là giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tầng, chuyển nặng và tử vong.

“Ngành Y tế sẵn sàng không có ngày nghỉ lễ, Tết để phục vụ người dân trong công tác xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng...”, Giám đốc Sở Y tế nói, đồng thời đề nghị các địa phương bảo đảm tỷ lệ an toàn là mức 95% bệnh nhân điều trị tại nhà; chỉ khoảng 5% điều trị tại cơ sở y tế.

Phát biểu tại phiên họp, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai cho biết, qua khảo sát và nắm bắt thông tin dư luận, cơ bản người dân bày tỏ sự tin tưởng với các chính sách, sự điều hành của thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trước diễn biến phức tạp của dịch, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán này, Tiểu ban Truyền thông - Ban Chỉ đạo thành phố đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung tuyên truyền về công tác an sinh xã hội cho người dân; các mô hình tốt trong phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh... Đồng chí Trưởng Tiểu ban Truyền thông đề nghị các địa phương, đơn vị bố trí cán bộ trực Tết và có đầu mối cũng như số điện thoại liên hệ trực tiếp để thực hiện các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thành phố. Trong trường hợp có bất kỳ phức tạp nào phát sinh trên địa bàn dịp Tết, các địa phương, đơn vị phải báo cáo ngay với Tiểu ban Truyền thông để kịp thời xử lý.

Thực hiện tốt 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đánh giá, những ngày qua, bám sát chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy, các lực lượng ở cơ sở đã chuyển động mạnh mẽ và đạt được kết quả rõ nét như: Kiểm soát điều trị, chuyển tầng ở mức tốt; nhiều mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả được triển khai…

 Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội.

Biểu dương lực lượng tuyến đầu với nhiều vất vả, khó khăn, hy sinh thầm lặng, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong việc có cơ chế hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do dịch.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố cũng nhắc nhở, việc giải ngân chính sách hỗ trợ ở một số quận, huyện làm tốt, nhưng cấp thành phố vẫn còn thấp. “Ngay ngày mai, các cấp từ thành phố tới địa phương phải khẩn trương triển khai, bảo đảm tiền hỗ trợ đến với tuyến đầu kịp thời trước Tết”, đồng chí Chu Ngọc Anh chỉ đạo.

Với các quận, huyện, thị xã, Chủ tịch UBND thành phố chỉ rõ 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai những ngày tới. Trong đó, cần liên tục cập nhật số liệu về tiêm “vét” vắc xin phòng Covid-19, người cao tuổi chưa tiêm, người từ chối tiêm, số liệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi để chuẩn bị tiêm; đồng thời, rà soát bổ sung lực lượng phòng, chống dịch dịp Tết.

Chủ tịch UBND thành phố nhắc lại yêu cầu các quận, huyện, thị xã đến xã, phường, thị trấn phải cập nhật lịch trực từng cơ sở, từng tổ Covid-19 cộng đồng, trạm y tế với số điện thoại, đường dây nóng để báo cáo thành phố.

“Trong các ngày trực Tết, lãnh đạo thành phố sẽ gọi điện đến cơ sở, các tổ y tế lưu động để kiểm tra. Từ ngày mai phải có đầy đủ danh sách, các đơn vị phải luôn sẵn sàng”, đồng chí Chu Ngọc Anh yêu cầu.

Chủ tịch UBND thành phố cũng nhắc nhở các đơn vị bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc tiêm vắc xin xuyên Tết, thực hiện an toàn, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện trung ương để bảo đảm điều trị kịp thời cho các bệnh nhân Covid-19.

Để chuẩn bị cho việc đón học sinh từ lớp 7 trở lên quay trở lại trường từ ngày 8-2 tới, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương án để bảo đảm tuyệt đối an toàn. Các địa phương cần chủ động kịch bản cụ thể, có lộ trình để sẵn sàng cho học sinh, sinh viên quay lại trường; kiểm soát, hạn chế việc tập trung đông người, thực hiện quy định “5K” thực chất.

“Cần tập trung cao độ trong 2 phần việc là tiếp tục phát huy điểm sáng về bảo đảm an sinh xã hội và nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo”, Trưởng ban Chỉ đạo thành phố nhấn mạnh.

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

Đình Hiệp