Thêm chỉ số về tỷ lệ ca Covid-19 phải thở ô xy, tử vong trong đánh giá cấp độ dịch

Sức khỏe - Ngày đăng : 12:44, 27/01/2022

(HNMO) - Ngày 27-1-2022, Bộ Y tế ra Quyết định số 218/QĐ-BYT ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Quyết định mới có hiệu lực từ ngày 27-1 và thay thế Quyết định số 4800 ngày 12-10-2021 của Bộ Y tế.

Bảng tính cấp độ dịch của Bộ Y tế.

So với Quyết định 4800, Quyết định số 218 vẫn đánh giá cấp độ dịch theo 3 tiêu chí: Tỷ lệ ca mắc mới trên địa bàn/số dân/thời gian; độ bao phủ vắc xin và đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.

Tuy nhiên, tại mỗi tiêu chí của Quyết định số 218 đều có thêm những chỉ số cụ thể, thậm chí bổ sung chỉ số về số ca bệnh phải thở ôxy, tỷ lệ ca tử vong trong việc đánh giá cấp độ dịch. Cụ thể:

Tiêu chí 1: Tỷ lệ ca mắc mới trên địa bàn/số dân/thời gian, ngoài tỷ lệ ca mắc ở tiêu chí 1 còn có thêm 2 chỉ số là tỷ lệ ca bệnh phải thở ôxy và tỷ lệ ca tử vong.

Cụ thể: Tỷ lệ ca mắc mới trong tuần trên địa bàn cấp xã/100.000 dân được phân theo 4 mức độ từ thấp đến cao (mức 1: <90; mức 2: 90 đến dưới 450; mức 3: 450 đến 600; mức 4: >600). 

Tỷ lệ ca bệnh phải thở ôxy trung bình trong 7 ngày qua ghi nhận trên địa bàn xã/100.000 người được phân theo 4 mức độ (mức 1: < 1; mức 2: 1 đến dưới 32, mức 3: 32 đến 40, mức 4: >40). Tỷ lệ ca bệnh phải thở ôxy do trung tâm y tế cấp huyện tính toán và phân bố đến từng địa bàn cấp xã. 

Tỷ lệ ca tử vong trong tuần trên địa bàn cấp xã/100.000 dân với yêu cầu chỉ số này không được vượt quá 6/100.000 dân trên địa bàn cấp xã. Chỉ số này là hệ quả của tổng hợp mức độ lây nhiễm và khả năng đáp ứng, đồng thời đây là mục tiêu cần phải khống chế bằng được. Do đó, chỉ số này được sử dụng để đánh giá điều chỉnh cấp độ dịch trên địa bàn cấp xã.

Tiêu chí 2: Độ bao phủ vắc xin gồm 2 chỉ số. Chỉ số thứ nhất là tỷ lệ tiêm chủng đủ mũi phải đạt tối thiểu 75% tổng dân số tại thời điểm giá. Chỉ số thứ hai là tỷ lệ tiêm chủng đủ mũi ở người thuộc nhóm nguy cơ cao phải đạt tối thiểu 90% số đối tượng phải tiêm chủng tại thời điểm đánh giá. Hai chỉ số này được sử dụng để điều chỉnh mức độ lây nhiễm trên địa bàn cấp xã.

Tiêu chí 3: Đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với 3 chỉ số. Chỉ số thứ nhất là tỷ lệ sẵn sàng quản lý, chăm sóc/10.000 dân, gồm: Khả năng có thể quản lý, chăm sóc tại địa bàn cấp xã. Chỉ số này được chia làm 3 khả năng (cao: >500; trung bình: 200-500; thấp: <200).

Chỉ số thứ hai là tỷ lệ giường bệnh dành cho người bệnh Covid-19 còn trống tại các cơ sở thu dung, điều trị trên địa bàn cấp huyện/100.000 dân tại thời điểm đánh giá. Chỉ số này được chia làm 3 khả năng (cao: > 30; trung bình: 10- 30, thấp: < 10). Chỉ số này do trung tâm y tế cấp huyện xác định sau đó được dùng chung cho tất cả xã trên địa bàn thuộc huyện.

Chỉ số thứ ba yêu cầu tỷ lệ giường ICU (hồi sức tích cực) có đủ nhân viên y tế phục vụ trên địa bàn cấp tỉnh phải đạt tối thiểu 4/100.000 dân. Chỉ số này được sử dụng để hiệu chỉnh mức độ đáp ứng trên địa bàn cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh. Nếu chỉ số này không đạt mức tối thiểu (4/100.000) thì phải giảm mức độ đáp ứng của tuyến xã trên địa bàn của tỉnh này xuống một mức độ (trừ trường hợp đang ở khả năng thấp).

Tại Quyết định 218, Bộ Y tế đã đưa ra cách xác định cấp độ dịch. Cấp độ đáp ứng dịch tại tuyến xã được xác định bằng cách tổng hợp từ kết quả về mức độ lây nhiễm và mức độ đáp ứng của địa bàn cấp xã, thực hiện theo 3 bước sau:

Bước 1: Xác định mức độ lây nhiễm (4 mức)

Mức độ lây nhiễm của một địa bàn cấp xã là mức độ cao nhất của chỉ số 1 và 2 tại tiêu chí 1 và được hiệu chỉnh của chỉ số 1 và 2 tại tiêu chí 2 được liệt kê theo bảng dưới đây:

Sau đó kết hợp với chỉ số 1 và 2 của tiêu chí 2, nếu không đạt mức tối thiểu thì phải nâng mức độ lây nhiễm lên một mức độ (trừ trường hợp đang ở mức độ 4).

Bước 2: Xác định khả năng đáp ứng

Khả năng đáp ứng của một địa phương là khả năng thấp nhất của chỉ số 1 và 2 tại tiêu chí 3 và được hiệu chỉnh của chỉ số 3 của tiêu chí 3 được liệt kê theo bảng dưới đây:

Sau đó, kết hợp với chỉ số 3, tiêu chí 3, nếu như chỉ số này không đạt mức tối thiểu thì phải giảm khả năng đáp ứng xuống một mức (trừ trường hợp đang ở khả năng thấp).

Bước 3: Xác định cấp độ dịch

Theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, cấp độ dịch được xác định dựa trên tổng hợp kết quả đánh giá mức độ lây nhiễm (4 mức tại bước 1) và khả năng đáp ứng (3 khả năng tại bước 2), sau đó có thể được hiệu chỉnh bởi chỉ số 1 của tiêu chí 1, theo bảng tính cấp độ dịch. Sau khi tính được cấp độ dịch ở địa bàn cấp xã theo bảng 3 cần sử dụng chỉ số thứ ba (tỷ lệ ca tử vong trong tuần trên địa bàn cấp xã/100.000 dân) trong tiêu chí 1 để hiệu chỉnh và xác định cấp độ dịch. Nếu chỉ số này vượt ngưỡng 6/100.000 dân trên địa bàn cấp xã thì phải nâng cấp độ dịch lên một cấp độ (trừ trường hợp đang ở cấp độ 4).

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

Thu Trang