Nâng cao hiệu quả quản lý người sau cai nghiện
Đời sống - Ngày đăng : 07:03, 27/01/2022
Thống kê của Công an thành phố Hà Nội, năm 2021, các cơ sở cai nghiện ma túy của thành phố đã tổ chức tiếp nhận và cai nghiện bắt buộc cho 1.111 người (bằng 123,4% chỉ tiêu) và tiếp nhận 1.798 người nghiện đăng ký cai nghiện tự nguyện; tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng cho 1.362 người, bằng 123,8% chỉ tiêu, tăng 187 người so với năm 2020.
Người nghiện ma túy kết thúc thời gian cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện được các địa phương phân công nhiều tổ chức, cá nhân quản lý, giúp đỡ sau cai nghiện. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết, trong năm 2021, các mô hình cai nghiện ma túy tại cộng đồng trên địa bàn thành phố như: Câu lạc bộ B93, Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng đã gặp lại được 722 lượt “khách hàng” cũ và tiếp nhận 189 “khách hàng” mới; tư vấn cho 1.147 lượt người; chuyển gửi đến các dịch vụ hỗ trợ điều trị nghiện cho 81 người; hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế và kinh phí điều trị Methadone, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, tìm kiếm việc làm cho 220 lượt người…
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, việc hỗ trợ việc làm cho người quản lý sau cai tại nơi cư trú chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Người sau cai nghiện ma túy khi trở về địa phương vẫn không có việc làm; mặt khác, rất ít người sau cai nghiện khi trở về địa phương được hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm, học nghề. Cụ thể sau 2 năm, xã, phường, thị trấn thực hiện quản lý sau cai nghiện ma túy, có 30% đối tượng tái nghiện, số người có việc làm, chỉ đạt 20%.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho rằng, bản thân người sau cai nghiện cũng thiếu chủ động tự ổn định cuộc sống, tìm việc làm. Địa phương đã tạo cơ hội học nghề, vay vốn qua các kênh để tự tạo việc làm, thực tế cũng có một số ít trường hợp tự vươn lên. “Kết quả chưa cao chủ yếu vẫn là do quyết tâm, ý chí vươn lên của người nghiện và sự đón nhận của cộng đồng đối với họ để người sau cai nghiện có thể tự tin hòa nhập”, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên nói.
Thực hiện kế hoạch của UBND thành phố về xây dựng và triển khai các mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện tại nơi cư trú trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, bên cạnh việc tiếp tục triển khai có hiệu quả hoạt động của các mô hình: Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng; Câu lạc bộ B93 tại các địa phương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết, đơn vị sẽ xây dựng mới các câu lạc bộ quản lý sau cai nghiện, bảo đảm ít nhất 80% câu lạc bộ có số thành viên tham gia sinh hoạt đều đặn, hiệu quả; nâng cao hoạt động của các hội, đoàn thể, đội công tác xã hội tình nguyện trong quản lý, giúp đỡ người sau cai nghiện, phòng, chống tái nghiện; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý người sau cai nghiện tại cộng đồng.
Về vấn đề trên, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Ba Đình Phạm Thanh Hà cho biết, thời gian tới, quận sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội, khuyến khích cá nhân, tổ chức kinh tế tham gia dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tại cộng đồng; lồng ghép công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, công tác quản lý sau cai nghiện ma túy với các chương trình an sinh xã hội tại địa phương.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, để nâng cao hiệu quả quản lý sau cai nghiện ma túy, UBND thành phố đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thành phố về dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy trong thời gian tới.