Hình thành cơ chế đồng bộ

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:10, 28/01/2022

(HNM) - Giám sát việc thực thi công vụ của cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện qua nhiều kênh khác nhau: Giám sát trong nội bộ cơ quan hành chính nhà nước; giám sát bên ngoài cơ quan hành chính nhà nước (giám sát của Đảng, giám sát của các cơ quan nhà nước cấp trên, giám sát của xã hội). Trong đó, công tác kiểm tra công vụ đột xuất, thường xuyên có vai trò quan trọng để nâng cao chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính.

Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thành phố Hà Nội đã tiến hành 1.484 cuộc kiểm tra công vụ, góp phần giúp Thủ đô cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19 và hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Trong đó, các đơn vị, địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo để thực hiện công tác kiểm tra công vụ, coi đây là kênh để từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của đơn vị mình.

Bên cạnh những mặt tích cực, công tác kiểm tra công vụ thời gian qua ở một số cơ quan, đơn vị chưa được thực hiện thường xuyên, hiệu quả đạt thấp do lãnh đạo ở đây còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính. Thái độ, trách nhiệm, chuyên môn, nghiệp vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ cũng chưa cao.

Năm 2022, để thực hiện tốt chủ đề công tác “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, UBND thành phố Hà Nội và các đơn vị, địa phương trực thuộc cần thực hiện tốt Kế hoạch số 04/KH-UBND ngày 6-1-2022 của UBND thành phố về kiểm tra công vụ năm 2022 theo 5 nhóm nội dung đã đề ra. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh việc kiểm tra phải bảo đảm đúng pháp luật, chính xác, khách quan và trung thực; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức và cá nhân là đối tượng kiểm tra công vụ. Thông qua hoạt động kiểm tra, góp phần ngăn ngừa hành vi vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính; đồng thời, đánh giá những ưu điểm, mặt tích cực; phát hiện những tồn tại, thiếu sót, khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công vụ; đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền biện pháp xử lý…

Trong kiểm tra công vụ, ngoài trực tiếp kiểm tra với đối tượng được giao nhiệm vụ cần đặc biệt chú trọng đánh giá trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, địa phương. Thực tế cho thấy, ở đâu người đứng đầu có kỹ năng quản trị tốt thì ở đó công việc diễn ra thuận lợi và ngược lại. Cùng với đó là chú trọng kiểm tra đột xuất; nghiên cứu mở thêm kênh kiểm tra công vụ qua lấy ý kiến nhân dân, qua mạng xã hội, thư điện tử… để đánh giá sát thực hơn tình hình.

Để hoạt động kiểm tra công vụ trở thành việc bình thường, mỗi cán bộ, công chức, viên chức của Thủ đô cũng cần thường xuyên tự nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng tốt nhiệm vụ với đòi hỏi ngày càng cao. Cùng với đó, các đơn vị, địa phương có kế hoạch chuẩn hóa và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cấp xã nhằm phục vụ doanh nghiệp, người dân ngày một tốt hơn.

Trong kiểm tra công vụ cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để cập nhật, phát hiện và xử lý kịp thời vi phạm; gắn kết chặt chẽ công tác kiểm tra công vụ với kênh kiểm tra, giám sát của Đảng, giám sát của các cơ quan nhà nước, giám sát của xã hội... Từ đó, hình thành cơ chế đồng bộ trong việc theo dõi, phát hiện, xử lý việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ “của dân, do dân, vì dân”.

Đỗ Quỳnh Chi