Năm 2022, nền kinh tế sẽ phục hồi, tăng trưởng mạnh hơn

Xã hội - Ngày đăng : 06:28, 30/01/2022

(HNM) - Năm 2021 khép lại với dấu ấn đối diện nhiều khó khăn chưa có tiền lệ và nỗ lực vượt khó của nền kinh tế để Việt Nam tiếp tục đứng trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương... Phóng viên Báo Hànộimới đã phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về nội dung này cũng như các giải pháp thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn trong năm 2022.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Trên dưới đồng thuận, vào cuộc quyết liệt

- Nhìn lại năm 2021, điều gì làm cho Bộ trưởng cảm thấy hài lòng nhất? 

- Năm qua, làn sóng lần thứ tư của dịch Covid-19 khiến kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều doanh nghiệp đối mặt với khó khăn, phá sản khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn đạt và vượt một số chỉ tiêu kinh tế, với Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 2,58%; xuất, nhập khẩu cả năm về đích với con số kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; xuất siêu khoảng 4 tỷ USD; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD, tăng hơn 9,2 tỷ USD so với năm 2020...

Điều làm tôi tâm đắc, muốn chia sẻ là chúng ta có được sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm, trên dưới đồng thuận của cả hệ thống chính trị, từ Quốc hội đến Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, địa phương, tất cả các thành phần kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp… để cùng với Chính phủ triển khai những quyết sách quan trọng, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Hàng trăm nghị quyết, nghị định, quyết định, thông tư đã được ban hành để kịp thời gỡ khó cho doanh nghiệp, khơi thông nội lực của nền kinh tế. Tôi cho rằng, chính sách quan trọng nhất, phân cấp mạnh mẽ, mở đường cho Chính phủ để kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp là Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 của Quốc hội, ban hành tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV; trong đó giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và thực hiện một số biện pháp chưa được quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Đặc biệt, Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã đưa ra các giải pháp, chính sách “mở đường”, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương chủ động chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Các chính sách, giải pháp ban hành được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao, góp phần quan trọng tháo gỡ khó khăn, khôi phục chuỗi cung ứng bị đứt gãy; tháo gỡ vướng mắc về dòng tiền, chi phí, lao động...

- Nếu còn điều gì trăn trở, xin Bộ trưởng có thể chia sẻ?

- Mặc dù Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã hết sức nỗ lực tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp nhưng điều khiến tôi còn nhiều trăn trở đó là sức lực của nhiều doanh nghiệp đã bị bào mòn trong khi tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khôi phục hoàn toàn sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp. Việc triển khai các chính sách còn hạn chế. Qua theo dõi và tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp cho thấy, vẫn còn một số tồn tại trong khâu thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ. Việc triển khai của một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương.

7 giải pháp phục hồi kinh tế

- Đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 là 6-6,5% cũng có nghĩa nhiệm vụ sẽ nặng nề hơn. Bộ trưởng dự cảm thế nào về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm nay?

- Năm 2022, chúng ta vẫn đứng trước một số điểm nghẽn, nút thắt trong phục hồi và phát triển kinh tế. Tổng cầu của nền kinh tế giảm sâu; áp lực lạm phát trong năm 2022 đối với kinh tế nước ta cũng đang hiện hữu bởi giá nguyên vật liệu, hàng hóa và dịch vụ thế giới tăng cao; giá dầu thô còn tiếp tục tăng trong những năm tới trong khi nguồn cung hạn chế... Tuy nhiên, với sự đồng lòng và quyết tâm cao, chúng ta sẽ vượt qua khó khăn, nền kinh tế sẽ phục hồi, tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2022.

- Xin Bộ trưởng cho biết một số giải pháp nhằm phục hồi kinh tế trong năm 2022?

- Năm 2022, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư. Để tận dụng được những cơ hội mới nhằm phục hồi kinh tế, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương khẩn trương hoàn thành tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho toàn dân trong độ tuổi tiêm chủng; ưu tiên tiêm cho lực lượng lao động khu vực doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể để hai khu vực kinh tế này sớm phục hồi nhanh.

Thứ hai, kết hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, chú trọng đến chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể. Đồng thời, sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý.

Thứ ba, nâng cao năng lực giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án kết nối liên vùng. Đặc biệt, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công để tạo sự lan tỏa đến đầu tư tư nhân và khu vực đầu tư nước ngoài...

Thứ tư, thực hiện nhanh và hiệu quả việc cơ cấu lại nền kinh tế. Cơ cấu lại nội bộ từng ngành theo hướng phát huy lợi thế so sánh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tập trung nội lực, thúc đẩy động lực phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao.

Thứ năm, chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát.

Thứ sáu, tăng cường triển khai và thực hiện chuyển đổi số trong cải cách thể chế và thủ tục hành chính. Thực tế có rất nhiều gói hỗ trợ bị vướng về thủ tục hành chính. Rào cản về thủ tục không chỉ gây khó khăn mà còn tạo ra sự không công bằng cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc tiếp cận chính sách và làm méo mó môi trường kinh doanh.

Thứ bảy, tạo dựng chính sách liên thông, kết nối các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ đi kèm với sự đồng thuận tại chính quyền các địa phương, giải quyết tình trạng “cát cứ”, không thống nhất, gây cản trở.

Về xuất, nhập khẩu, các bộ, ngành chức năng tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia để tham mưu Chính phủ các giải pháp điều hành, ứng phó với yếu tố bất lợi. Chú trọng triển khai các hiệp định thương mại tự do; tổ chức xúc tiến thương mại trực tuyến, phát triển dịch vụ logistics…

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Hồng Sơn