Ấm lòng những người con Việt xa quê
Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 11:46, 30/01/2022
Nỗi nhớ xa quê
Năm 2021, do đại dịch bùng phát và kéo dài, cuộc sống của bà con kiều bào ta ở nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn. Tất cả các hoạt động truyền thống như về nguồn, trại hè dành cho thanh thiếu niên kiều bào, Xuân quê hương hay chương trình đi thăm Trường Sa - Nhà giàn DK1 và một loạt những sự kiện thường niên khác không thực hiện được. Mặc dù, Chính phủ đã tổ chức nhiều chuyến bay đưa công dân Việt Nam hồi hương, tuy nhiên, đây là những trường hợp khẩn cấp, có nguyện vọng về nước lâu dài.
Chị Đàm Hương (kiều bào tại Đức) cho biết, giống như nhiều bà con kiều bào khác, đã qua 2 mùa Tết cổ truyền, chị không được về thăm nhà. Cứ mỗi lần nhìn thấy ảnh bạn bè, người thân ở Việt Nam đăng trên mạng xã hội vào lúc gần Tết, thấy hoa mai, hoa đào, là trong lòng lại quặn nỗi nhớ quê hương, nhớ mẹ và người em trai đang sinh sống ở Hà Nội. Do tình hình dịch bệnh, các hoạt động của cộng đồng người Việt tại đây cũng phải hạn chế. Thời gian vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức rất quan tâm tới cuộc sống của cộng đồng người Việt, kịp thời chia sẻ và hỗ trợ những trường hợp gặp hoàn cảnh khó khăn.
Còn chị Đỗ Thị Hoa Lý, giáo viên dạy tiếng Việt tại Trường Chuyên ngữ số 251 thành phố Kiev (Ukraine) mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết, những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh tại Ukraine có dấu hiệu gia tăng nên cộng đồng rất lo lắng. Suốt 2 năm qua, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề tới đời sống vật chất và tinh thần của bà con. Nhờ sự quan tâm của Đại sứ quán, cũng như sự chủ động của các hội nhóm người Việt nên bà con cũng phần nào được an lòng.
Chị Hoa Lý cũng vừa hoàn thành khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức trực tuyến. “Tôi đã lĩnh hội được thêm nhiều kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt thông qua khóa học này. Vì đại dịch nên việc tổ chức giảng dạy phải thực hiện trực tuyến khiến thời gian kéo dài và cũng có một số khó khăn. Tuy nhiên, điều này cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc gìn giữ tiếng mẹ đẻ cho các thế hệ kiều bào nói riêng, và những chính sách hướng tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung đang được đẩy mạnh”.
Nghĩa đồng bào, tình dân tộc
Có lẽ, chưa khi nào nhân loại nói chung và người Việt Nam nói riêng phải đối mặt với một dịch bệnh lây lan nhanh, tác động lớn như đại dịch Covid-19. Thế nhưng, đây cũng là lúc mà “tình dân tộc, nghĩa đồng bào” được thể hiện rõ nhất. Với sự quan tâm và lãnh đạo sát sao của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, thời gian qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực phát huy vai trò cầu nối giữa đồng bào ta ở nước ngoài với quê hương, để đồng bào trong và ngoài nước đoàn kết chung sức, cùng vượt qua dịch bệnh.
Trong hoàn cảnh khó khăn nhất, Việt Nam đã chuyển được hơn 830 nghìn khẩu trang, quần áo bảo hộ, thuốc men và lương thực, thực phẩm cho kiều bào ở hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đặc biệt, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp với các bộ, ban, ngành triển khai kế hoạch phân bổ khoản kinh phí 4,052 tỷ đồng hỗ trợ một số cộng đồng gặp nhiều khó khăn nhất ở Campuchia, Lào, Malaysia, Ấn Độ...
Ở chiều ngược lại, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng tích cực đóng góp cho các chương trình phòng, chống dịch Covid-19. Tính đến nay, kiều bào đã ủng hộ gần 60 tỷ đồng vào Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19 và một số lượng lớn trang thiết bị, vật phẩm y tế. Trong số đó, phải kể đến chiến dịch “Chung tay vì Việt Nam” và “10 ngàn liều vắc xin cho Việt Nam” do gần 30 tổ chức hội đoàn người Việt ở Pháp, Mỹ, Canada... phát động nhằm quyên góp đủ số tiền mua 10 nghìn liều vắc xin ủng hộ Quỹ. Cùng với đóng góp về vật chất, sự đóng góp có ý nghĩa nhất là của những chuyên gia, trí thức, nhà khoa học kiều bào thông qua những hội thảo, tọa đàm về phòng, chống dịch Covid-19.
Đặc biệt, từ đầu năm 2021 đến nay, Ủy ban đã tổ chức một loạt hội thảo quy tụ kiều bào có chuyên môn, kinh nghiệm trong việc phòng, chống dịch. Đơn cử, hội thảo “Chuyên gia kiều bào chung sức cùng thành phố Hồ Chí Minh chống dịch” đã thu hút sự tham gia của bác sĩ Vũ Ngọc Khuê (Mỹ), ông Trần Ngọc Phúc (Nhật), bác sĩ Võ Toàn Trung (Pháp), Tiến sĩ Nguyễn Đức Thái (Mỹ)... Trong những dịp này, các chuyên gia kiều bào không chỉ giúp phổ biến những kiến thức cần thiết để người dân trong nước phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, mà còn kiến nghị với Chính phủ nhiều giải pháp mang tính vĩ mô để phục hồi sau đại dịch.
Khơi dậy và phát huy sức mạnh toàn dân
Ngoài các hoạt động liên quan tới phòng, chống dịch Covid-19, trong năm 2021, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng đã tổ chức nhiều chương trình hội thảo, tọa đàm trực tuyến như hội thảo “Kết nối chuyên gia kiều bào với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia”, tọa đàm "Kiều bào với biển đảo Việt Nam", tọa đàm “Doanh nhân kiều bào với mạng lưới tiêu thụ hàng Việt Nam ở nước ngoài”...
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu cho biết, một trong những sự kiện quan trọng của Việt Nam năm 2021 là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp, mở ra một giai đoạn phát triển mới với khát vọng lớn lao, đó là xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc. Để hiện thực hóa được khát vọng đó, Đảng ta đưa ra một tầm nhìn rõ ràng, một lộ trình xuyên suốt từ nay cho tới 100 năm ngày lập quốc, đồng thời đề ra các định hướng, chủ trương, giải pháp lớn và nhiệm vụ trọng tâm. Đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, Đảng yêu cầu công tác phải được triển khai “toàn diện và mạnh mẽ” để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đã đề ra.
Xuất phát từ những bài học kinh nghiệm sâu sắc được đúc rút trong quá trình triển khai, ngày 12-8-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TƯ về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, mang nhiều ý nghĩa quan trọng, góp phần đưa công tác đi vào chiều sâu và hiệu quả. Kết luận số 12-KL/TƯ tiếp tục thể hiện rõ nét tình cảm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho đồng bào ta ở nước ngoài, đáp ứng các nguyện vọng, mong mỏi chính đáng của kiều bào nhằm tạo ra động lực khích lệ bà con nỗ lực vươn lên, hướng tới một cuộc sống tốt đẹp, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh và khơi dậy tinh thần yêu nước thương nòi.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người Việt Nam tại Hàn Quốc Vũ Đức Lượng cho biết: “Sau khi đọc Kết luận số 12-KL/TƯ, tôi cảm thấy rất vui vì thấy được rõ hơn tình cảm cũng như trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Với tôi, nội dung đáng chú ý là công tác hỗ trợ đồng bào có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định trong cuộc sống cũng như hội nhập với nước sở tại, từ đó nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài. Trước yêu cầu và kỳ vọng cao hơn, hướng tới các biện pháp bài bản, dài hạn trong việc chăm lo, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong giai đoạn mới, tôi tin rằng, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ triển khai những biện pháp tổng thể nhằm tăng cường hiệu quả của công tác này”.
Sau Nghị quyết số 36-NQ/TƯ ngày 26-3-2004, Chỉ thị số 45-CT/TƯ ngày 19-5-2015 của Bộ Chính trị, Kết luận số 12-KL/TƯ khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước về củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có quan hệ gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc và là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Tăng cường công tác người Việt Nam ở nước ngoài cũng góp phần quan trọng vào việc khơi dậy và phát huy mạnh mẽ sức mạnh toàn dân, bao gồm cả trí lực và vật lực của đồng bào ta ở nước ngoài, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.