Tạo nền tảng nguồn nhân lực Thủ đô
Giáo dục - Ngày đăng : 06:00, 01/02/2022
Nền tảng quan trọng
Trong bất kỳ giai đoạn nào, quan điểm đầu tư cho giáo dục luôn được thành phố Hà Nội ưu tiên. Với sự quan tâm, đồng hành của cả hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở, sự đồng thuận của phụ huynh học sinh và sự nỗ lực, chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, nhiều năm qua, công tác giáo dục và đào tạo đã đạt nhiều kết quả tích cực, tạo nền tảng quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, năm học 2020-2021, giáo dục và đào tạo của Thủ đô tiếp tục dẫn đầu cả nước về quy mô và chất lượng. Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song các đơn vị, trường học trong toàn ngành đã nỗ lực vượt khó khăn, hoàn thành tốt “nhiệm vụ kép”, bảo đảm an toàn cho học sinh và tổ chức thực hiện có chất lượng chương trình giáo dục. Toàn thành phố có hơn 2.800 trường học với hơn 2,1 triệu học sinh, gần 130 nghìn giáo viên. Học sinh Thủ đô tiếp tục giành thành tích cao trong các kỳ thi với 139 học sinh đoạt giải quốc gia, 365 giải và 57 huy chương tại các kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế. Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021, thành phố Hà Nội đứng thứ Nhất cả nước với 2.286 điểm 10, chiếm tới 9,3% số điểm 10 của kỳ thi...
Là một trong bốn trường trung học phổ thông công lập có đào tạo học sinh chuyên, năm nào, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng đóng góp tích cực vào kết quả giáo dục mũi nhọn của thành phố Hà Nội. Bà Trần Thùy Dương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam cho biết, năm học 2020-2021, học sinh của trường đã giành 115 giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố cùng nhiều huy chương, giải thưởng trong các kỳ thi quốc tế. So với những năm trước, các đội tuyển năm nay gặp nhiều khó khăn hơn, công tác ôn luyện đều chuyển sang hình thức trực tuyến, nhưng không vì thế mà chất lượng giải bị ảnh hưởng. Nhiều học sinh đã xuất sắc giành giải thưởng, điển hình là các em: Đỗ Bách Khoa - Huy chương vàng Olympic toán quốc tế; Nguyễn Mạnh Quân và Trần Quang Vinh - Huy chương vàng Olympic vật lý quốc tế; Nguyễn Duy Anh, Nguyễn Lê Thảo Anh - Huy chương vàng Olympic hóa học quốc tế...
Năm học 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác dạy và học trực tiếp của thầy và trò ở các trường học của Thủ đô bị gián đoạn, có thời gian khá dài phải chuyển sang tổ chức dạy - học trực tuyến, song chất lượng giáo dục vẫn được giữ vững và từng bước tiến bộ. Trong bảng vàng thành tích của ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô có sự xuất hiện của nhiều trường công lập đại trà và một số trường ngoài công lập. Góp mặt trong danh sách 10 trường có tổng điểm trung bình các môn cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021, ngoài các trường chuyên, còn có các trường: Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, Nguyễn Gia Thiều, Quang Trung - Đống Đa, Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Nguyễn Siêu, Yên Hòa, Kim Liên... Đây còn là minh chứng cho sự quan tâm, đầu tư của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng thuận của phụ huynh học sinh và sự nỗ lực của từng cá nhân học sinh, nhà giáo với quyết tâm không để dịch bệnh làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Quyết tâm tạo sức bật mới
Một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được nêu rõ tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”. Còn tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định một trong những nội dung quan trọng của khâu đột phá thứ ba là: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao”.
Trên nền tảng vững chắc, toàn diện về chất lượng đã đạt được, các đơn vị, trường học và từng cá nhân nhà giáo, học sinh thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã và đang không ngừng nỗ lực, sáng tạo để khắc phục khó khăn, nhất là những ảnh hưởng của dịch bệnh để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học bằng những giải pháp cụ thể với quyết tâm tạo sức bật mới, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Là một trong những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy chương trình, sách giáo khoa mới, cô giáo Đặng Hoàng Hà, chủ nhiệm lớp 2A1, Trường Tiểu học Giáp Bát (quận Hoàng Mai) bày tỏ: “Xác định trách nhiệm của mình trong việc đào tạo những thế hệ học sinh của Thủ đô là chủ nhân tương lai của thành phố thông minh, bản thân tôi luôn cố gắng, không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ năng, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy. Trong đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng ngoại ngữ và giúp học sinh có thói quen, kỹ năng tự học, vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống là những nội dung ưu tiên. Tôi cùng đồng nghiệp cũng đã sẵn sàng cho tình huống dịch bệnh còn có thể diễn biến phức tạp và kéo dài, với quyết tâm không để học sinh bị gián đoạn việc học, thực hiện thành công việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới”.
Huyện Đan Phượng đang ở vị trí dẫn đầu thành phố về kết quả xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, với tỷ lệ hơn 98% số trường công lập được UBND thành phố Hà Nội công nhận đạt chuẩn. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng Bùi Thị Lệ Hằng cho biết, bên cạnh việc chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường phát huy kết quả của công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, linh hoạt ứng phó với các cấp độ của dịch bệnh để duy trì chất lượng chương trình giáo dục, phòng cũng tích cực tham mưu chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, đầu tư để nâng cao hơn nữa các tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia, tạo môi trường giáo dục an toàn, hiện đại để cải thiện chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương chia sẻ, Sở đã và đang cụ thể hóa nội dung của Nghị quyết thành nhiều nhiệm vụ, giải pháp phù hợp. Trong đó, việc bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên trong bối cảnh dịch bệnh là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Đồng thời, tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” với những nội dung cụ thể, trong đó có việc tiếp tục triển khai giảng dạy đại trà bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh”; tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình, sách giáo khoa mới; coi trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng; phát triển các trường chất lượng cao và tiếp tục nâng tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia...
“Với những kết quả đã đạt được, bằng sự nỗ lực, chủ động và niềm tin, mỗi nhà giáo, từng trường học ở Thủ đô quyết tâm khắc phục khó khăn, tiên phong đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp sức xây dựng Thủ đô phát triển bền vững”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định.