Tia chớp kéo dài 768km, qua 3 bang của Mỹ lập kỷ lục thế giới

Công nghệ - Ngày đăng : 07:14, 02/02/2022

Tia sét kéo dài 768km qua ba tiểu bang Texas, Louisiana và Mississippi đã lập kỷ lục thế giới mới về tia chớp dài nhất.

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), một tia sét kéo dài 768km vắt qua miền Nam nước Mỹ vào năm 2020 là kỷ lục thế giới mới về tia chớp đơn dài nhất.

Cơ quan của Liên hợp quốc cho biết, vào ngày 29-4-2020, một tia chớp cực lớn đã lóe dọc qua các bang Texas, Louisiana và Mississippi, vượt qua kỷ lục trước đó được thiết lập vào ngày 31-10-2018, ở Brazil là 709km.

Thông báo một kỷ lục khác về sét, WMO cho biết, một tia chớp đơn lẻ đánh xuống trên bầu trời Uruguay và miền Bắc Argentina vào ngày 18-6-2020, kéo dài 17,1 giây, đánh bại kỷ lục cũ là 16,7 giây.

Các phát hiện nói trên của Ủy ban Thời tiết và khí hậu cực đoan của WMO đã được công bố trên bản tin của Hiệp hội Khí tượng Mỹ (AMS).

Giáo sư Randall Cerveny, báo cáo viên về thời tiết và khí hậu khắc nghiệt của WMO, đã mô tả hai kỷ lục này là "phi thường".

Ông nói: “Các hiện tượng cực đoan về môi trường là những phép đo sống động về sức mạnh của tự nhiên, cũng như tiến bộ khoa học. Có khả năng là những điểm cực trị lớn hơn nữa vẫn tồn tại và chúng ta sẽ có thể quan sát chúng khi công nghệ phát hiện tia sét được cải thiện”.

Ông Ron Holle, chuyên gia về sét và thành viên ủy ban, cho biết: “Những sự kiện sét cực kỳ lớn và kéo dài này không phải xảy ra đơn lẻ mà trong những cơn dông mạnh mẽ. Bất cứ lúc nào nghe thấy tiếng sấm sét là lúc cần đến nơi an toàn có sét”.

Ông Holle nói thêm: “Các địa điểm an toàn với sét duy nhất là các tòa nhà lớn có hệ thống chống sét, không phải các công trình như ở bãi biển hoặc bến xe buýt. Vị trí an toàn đáng tin cậy thứ hai là bên trong một chiếc xe có mui bằng kim loại kín hoàn toàn, không phải xe buýt hay xe máy".

“Nếu tia sét ở trong phạm vi 10km, được phát hiện với dữ liệu đáng tin cậy, hãy đến tòa nhà hoặc phương tiện an toàn chống sét. Những trường hợp cực đoan này cho thấy, tia sét có thể đến trong vài giây trên một khoảng cách xa, nhưng chúng được nhúng vào trong những cơn dông bão lớn hơn, vì vậy mọi người hãy lưu ý”, chuyên gia Ron Holle lưu ý.

Những tia sét kỷ lục nói trên, không liên quan đến biến đổi khí hậu, đã được phát hiện và xác nhận nhờ công nghệ theo dõi vệ tinh mới. Cả hai khu vực xảy ra sét là hai trong số ít những nơi trên thế giới dễ hứng chịu loại bão dữ dội có thể tạo ra cái gọi là "siêu chớp".

Sét là một dạng điện. Mây mưa được tạo thành từ không khí lạnh tạo thành các tinh thể băng và không khí ấm tạo thành các giọt nước. Trong một cơn bão, các tinh thể và giọt nước này va chạm nhau để tạo ra điện tích trong các đám mây. Các điện tích tách ra với các điện tích dương hoặc proton ở trên cùng của đám mây và các điện tích hoặc electron âm ở phía dưới. Khi điện tích âm đủ mạnh, năng lượng sẽ được giải phóng khỏi đám mây và đi qua không khí đến một nơi có điện tích trái dấu, chẳng hạn như mặt đất, cây cối hoặc thậm chí là con người.

Sét cũng cực kỳ nóng. Theo Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ, "khi tia sét đi qua không khí, nó có thể làm nóng không khí tới 50.000 độ F (nóng hơn bề mặt Mặt trời khoảng 5 lần)". Sét rất phổ biến ở Mỹ, tấn công gần 25 triệu lần mỗi năm.

Mặc dù, các tháng mùa hè là mùa chính của sét nhưng mọi người có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào trong năm. John Jensenius, một chuyên gia về sét của Cơ quan Thời tiết quốc gia cho biết, 80% ca tử vong do sét đánh xảy ra ở nam giới. Ông Jensenius đưa ra một số giải thích có thể xảy ra, bao gồm cả việc đàn ông không nhận thức được tất cả các mối nguy hiểm liên quan đến sét, có nhiều khả năng ở trong các tình huống ngoài trời dễ bị tổn thương.

Theo Thu Hằng/Báo Tin tức