Giải quyết các điểm nghẽn để phát triển đô thị bền vững
Đời sống - Ngày đăng : 13:55, 30/11/2022
Nâng cao lượng và chất quá trình đô thị hóa
Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại điểm cầu trụ sở Chính phủ và điểm cầu trụ sở 63 tỉnh, thành phố. Tham dự tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, thành phố Hà Nội, các tổ chức, chuyên gia, đối tác quốc tế.
Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022 được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến tích cực trong công tác nâng cao lượng và chất của quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị đến năm 2030, định hướng đến 2045, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên, phát huy nguồn lực đổi mới sáng tạo của đô thị bên cạnh những nguồn lực truyền thống, phát huy lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của đô thị trong bối cảnh phát triển quốc gia, khu vực và thế giới.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đang triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết chuyên đề của Trung ương về các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải tổ chức thực hiện hiệu quả, thực chất để đưa Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị thực sự đi vào cuộc sống, giải quyết những vấn đề điểm nghẽn để quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, góp phần vì mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Thủ tướng yêu cầu các đại biểu phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung chính, quán triệt sâu sắc để tìm ra giải pháp thực hiện tốt Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, nhất là trong bối cảnh đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế. Trong tổ chức thực hiện, vấn đề quan trọng là cần phối hợp chặt chẽ, xây dựng chương trình, kế hoạch cho từng cấp, từng ngành. Thủ tướng nêu rõ, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển đô thị là một động lực phát triển; điều này đặt ra vấn đề quy hoạch tốt, xây dựng tốt, quản lý tốt đô thị, phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững, bao trùm.
Xác định rõ giải pháp
Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến phát biểu trực tiếp cũng như bài tham luận trình bày các giải pháp thiết thực để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ.
Trong đó, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị cần chú trọng các nội dung trọng tâm: Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và tổ chức quản lý có hiệu quả công tác quy hoạch trong quá trình phát triển đô thị; phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu. Đây là nhiệm vụ phức tạp, hết sức khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực đất nước còn hạn chế, vì vậy, cần phải có quyết tâm cao, hành động quyết liệt, trong đó, các địa phương có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là trong việc đề xuất những cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn phát triển.
Về phía các chuyên gia, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính kiến nghị quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam trong thời gian tới cần ưu tiên hoàn thiện Quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia làm xương sống cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Phương pháp quy hoạch và định hướng phát triển cần hướng tới quy hoạch tích hợp - chiến lược - phù hợp bối cảnh địa phương, có sự tham gia của các bên trong việc nhận diện và giải quyết các vấn đề đô thị, đặc biệt là các vấn đề như biến đổi khí hậu, giảm nghèo, nhà ở phù hợp khả năng chi trả... Đặc biệt, cần có các cơ chế, chính sách để các địa phương có thể chủ động tháo gỡ rào cản, thúc đẩy công tác chỉnh trang, tái thiết đô thị tại địa phương; chủ động thúc đẩy việc triển khai các dự án khu đô thị mới...
Về phía các địa phương, để xây dựng nguồn lực thực hiện phát triển đô thị, UBND tỉnh Quảng Ninh xác định các giải pháp: Kiên trì thực hiện phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước là vốn mồi để kích thích, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tiếp tục giữ vững thứ hạng về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng chuẩn quốc tế; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình dự án có tính liên kết cao, các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng cảng biển để tạo ra các trung tâm kết nối hạ tầng dịch vụ, giao thông quốc tế...
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian phân tích về vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của đô thị để các cấp, các ngành có nhận thức đúng tầm, hành động phù hợp, hiệu quả theo tinh thần phát triển đô thị là một động lực phát triển, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Để hiện thực hóa những mục tiêu, chỉ tiêu trong Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng nhấn mạnh, cần có tư duy, cách tiếp cận mới; bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm, làm đến đâu chắc đến đó với những biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu lực, hiệu quả. Cùng với đó, coi trọng và đầu tư thích đáng cho công tác quy hoạch. Đa dạng hóa, kết hợp, phát huy mạnh mẽ các nguồn lực. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực thi,..
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 33 nhiệm vụ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp.
Một là nâng cao, thống nhất nhận thức về đặc thù của đô thị, vai trò, vị thế của đô thị trong sự phát triển chung, xác định phát triển đô thị gồm 3 trụ cột chính là quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị.
Hai là nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị; nâng cao năng lực trong các khâu xây dựng, thẩm định và phê duyệt quy hoạch. "Quy hoạch là công cụ nền tảng để định hướng phát triển đô thị. Công tác quy hoạch làm tốt thì mới tiết kiệm được nguồn lực, xác định và phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, chỉ ra và hóa giải những khó khăn, thách thức của địa phương, của vùng"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Ba là đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại trên cơ sở huy động mạnh mẽ các nguồn lực, có cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và bên ngoài, giữa nguồn lực Nhà nước với các nguồn lực xã hội; sử dụng nguồn lực hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung phát triển hạ tầng chiến lược theo 3 đột phá chiến lược đã được xác định, nhất là hạ tầng giao thông, từ đó tạo không gian phát triển mới, các khu đô thị, dịch vụ mới, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân.
Bốn là thực hiện song song các nhiệm vụ, đề án theo chuyên ngành riêng vì đô thị là không gian chung dành cho tất cả mọi người và là mắt xích quan trọng kết nối các ngành, lĩnh vực khác nhau.
Năm là xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, văn bản pháp luật, phát hiện các vướng mắc và phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, nếu cần thiết thì làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, nhất là trong việc xử lý những điểm nghẽn trong phát triển đô thị. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính quyền đô thị.