Ngành Ngân hàng tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp
Tài chính - Ngày đăng : 15:05, 03/02/2022
Mặc dù năm 2021 phải đối mặt với không ít khó khăn, song tăng trưởng tín dụng của cả năm đạt gần 14%. Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; đồng thời, chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông; tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Trong điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt về điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp; tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng chủ động cân đối khả năng tài chính, triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất cho vay. Tổng số tiền lãi lũy kế đến nay tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34.900 tỷ đồng.
16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay theo cam kết với hiệp hội ngân hàng. Kết quả giảm lãi của các ngân hàng đều được công bố để cho dư luận đánh giá. “Đây là một trong những biện pháp cứng rắn, quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách lãi suất. Tất nhiên, các ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp nhưng trong lúc này cần phải đồng hành chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, nền kinh tế”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước.
Rõ ràng, dịch Covid-19 diễn biến khó lường khiến triển vọng kinh tế, lạm phát toàn cầu năm 2022 khó dự báo, đặt ra những khó khăn, thách thức mà ngành ngân hàng phải đối mặt. Song, theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung hỗ trợ tối đa vốn cho doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, hướng dòng tiền vào những lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện tối đa hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế và trong điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động của ngân hàng, đồng thời bám sát vào chương trình phục hồi kinh tế, phát triển kinh tế của Chính phủ.
Trong điều hành hoạt động tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tập trung vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ cho những doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 và hướng các dòng tiền vào các lĩnh vực ưu tiên tập trung theo chỉ đạo của Chính phủ.
Mặt khác cũng tạo điều kiện khai thác tối đa những nguồn lực trong nền kinh tế thông qua các tổ chức tín dụng để góp phần thực hiện những chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ và tất cả nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước đang đặt ra một con số dự kiến khoảng 14% tăng trưởng tín dụng cho năm 2022. Tuy nhiên, để bảo đảm khả năng vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là khôi phục kinh tế và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đang có nhu cầu vốn để xử lý những nhu cầu cấp bách, Ngân hàng Nhà nước có thể nới tín dụng vào thời điểm cần thiết.
Về lĩnh vực tập trung tín dụng, tiếp tục theo chủ trương là tạo điều kiện thuận lợi cho dòng tiền để có thể tập trung cho những lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực cần thiết, đặc biệt là nhanh chóng khôi phục kinh tế, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dòng tiền đưa vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán hoặc việc phát hành trái phiếu của những doanh nghiệp mà không đảm bảo độ an toàn, hay đúng hơn là những lĩnh vực mà rủi ro cao sẽ tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ. Trong bất động sản có những lĩnh vực liên quan đến tín dụng cho nhà ở xã hội, hoặc có nhu cầu mua bán nhà ở thực tế cần thiết của người dân vẫn được tiếp tục đầu tư để tăng cường nguồn vốn. Còn những lĩnh vực có thể dẫn đến đầu cơ, đẩy giá bất động sản, gây ra hiện tượng nóng hoặc bong bóng thì phải được kiểm soát một cách chặt chẽ hơn.
Nhiều chuyên gia dự báo, năm 2022, hệ thống ngân hàng sẽ đối diện nhiều với áp lực nợ xấu, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đã nhận diện khi có tác động của dịch bệnh dẫn đến những khó khăn của doanh nghiệp không trả được nợ, tất yếu là nợ xấu sẽ tăng lên và nợ xấu tăng lên này là nợ xấu của nền kinh tế, là do khách quan tác động.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng đã có tinh thần chỉ đạo ngành Ngân hàng có những giải pháp, trước hết phải bảo đảm an toàn tài chính cho các tổ chức tín dụng trong vấn đề nợ xấu tăng lên. Thứ hai, để xử lý các khoản nợ xấu cũ thì đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu rất tích cực. Những chỉ tiêu, mục tiêu đề ra để xử lý những khoản nợ xấu trước đây do khách quan từ dịch bệnh, Ngân hàng Nhà nước đã và đang xác định quy mô, mức độ có thể diễn ra trong năm 2022 để có những giải pháp thích hợp.