Tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại

Kinh tế - Ngày đăng : 07:29, 04/02/2022

(HNM) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phương thức xúc tiến thương mại số “lên ngôi” nhằm thích ứng linh hoạt với tình hình mới, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, giao thương và xuất khẩu. Đây là tiền đề để năm 2022 hoạt động xúc tiến thương mại tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và thị trường.

Gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 18 diễn ra tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc tháng 9-2021. Ảnh: Nguyễn Hà

Chuyển đổi mạnh mẽ

Tháng 9-2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song vẫn có 70 doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 18 diễn ra tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Bên cạnh đó, còn có 200 doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội chợ theo hình thức trực tuyến.

Tại hội chợ này, gian hàng trưng bày của Việt Nam gây ấn tượng đặc biệt với diện tích lên tới 2.000m2, lớn nhất trong các nước ASEAN tham gia sự kiện. Ngoài khu gian hàng trực tiếp của hơn 70 doanh nghiệp có đại lý, chi nhánh tại Trung Quốc, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) còn tổ chức khu gian hàng theo mô hình trực tuyến, triển lãm từ xa cho các doanh nghiệp Việt Nam thuộc các ngành hàng nông sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng... Doanh nghiệp chỉ cần gửi sản phẩm tới Ban Tổ chức hội chợ, triển lãm để trưng bày. Việc kết nối, trao đổi thông tin với đối tác nước ngoài được thực hiện qua các nền tảng số. Cùng với đó, các doanh nghiệp được tạo lập gian hàng ảo; giới thiệu sản phẩm thông qua các video clip, hình ảnh...

Đó là một trong hàng nghìn hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến được Bộ Công Thương tổ chức trong năm qua. Theo Bộ Công Thương, năm 2021, Bộ đã tổ chức 5 hội chợ, triển lãm thương mại trực tuyến có quy mô lớn tại Việt Nam; tham gia 10 hội chợ triển lãm dưới hình thức gian hàng trực tuyến tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đức…; tham gia chuỗi “triển lãm từ xa” tại 6 hội chợ quốc tế lớn ở Trung Quốc. Đồng thời, Bộ đã trực tiếp và phối hợp với các địa phương tổ chức trên 1.000 chương trình giao thương, hội nghị trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng, cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, dệt may, da giày, logistics... tại các thị trường xuất khẩu chủ lực và tiềm năng như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Nam Á, châu Phi... Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại cũng đã trực tiếp tổ chức 5 hội chợ, triển lãm trực tuyến tại Việt Nam với sự tham gia của trên 1.000 doanh nghiệp; tổ chức cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia hàng trăm triển lãm, hội chợ quốc tế ở nước ngoài dưới hình thức trực tuyến…

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, công tác đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác xúc tiến thương mại là điểm nhấn trong năm 2021. Các hoạt động xúc tiến thương mại được kết nối trên nền tảng số đã duy trì, kết nối tiêu thụ nông sản hàng hóa, thị trường xuất khẩu ngay trong thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Cũng nhờ vậy, theo Tổ chức Tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới (Brand Finance), trong khi nhiều nước không duy trì được giá trị của thương hiệu quốc gia, thì Việt Nam vẫn duy trì vị trí thứ 33/100 nhóm giá trị thương hiệu mạnh trên thế giới và giá trị thương hiệu đã tăng 21,6%, từ 319 tỷ USD năm 2020 lên 388 tỷ USD năm 2021.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, dù phải đối mặt nhiều khó khăn nhưng hoạt động xúc tiến thương mại đã có những chuyển đổi mạnh mẽ, giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiết kiệm chi phí, rút ngắn khoảng cách và thời gian, đồng thời tăng tốc độ, phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng, qua đó đóng góp tích cực vào thành tích xuất khẩu ấn tượng của cả nước.

Khai thác hiệu quả xúc tiến thương mại số

Năm 2022, nhiều tổ chức trong nước và quốc tế dự báo kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ phục hồi, nhu cầu tiêu dùng sẽ gia tăng. Đây là cơ hội cho sản xuất và xuất khẩu tiếp đà tăng trưởng. Để tận dụng cơ hội này, hoạt động xúc tiến thương mại cần tiếp tục được đổi mới, chuyển đổi số để phát huy vai trò cầu nối giao thương.

Từ góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP Thân Đức Việt mong muốn, hoạt động xúc tiến thương mại tiếp tục chuyển đổi số mạnh hơn, đồng thời đẩy mạnh trên nền tảng thương mại điện tử để nối lại và phát triển chuỗi cung ứng sau đại dịch. Qua đó, hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ đưa sản phẩm thương hiệu Việt Nam vươn mạnh ra thế giới thông qua việc tìm kiếm, tiếp cận với khách hàng. Ngoài ra, để đạt hiệu quả cao trong giao thương trực tuyến, các doanh nghiệp kỳ vọng được chia sẻ nhiều hơn thông tin về thị trường theo nhóm ngành hàng; thông tin thuế quan… nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước kịp thời điều chỉnh khi giao dịch với đối tác.

Còn Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đề xuất, Bộ Công Thương cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách xuất, nhập khẩu, phát triển hạ tầng logistics để thành phố Hà Nội triển khai hiệu quả, đúng tiến độ các dự án hỗ trợ phát triển thương mại. Đồng thời, các bộ, ngành tăng cường phối hợp với thành phố để tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối doanh nghiệp với các thị trường truyền thống, các thị trường Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại. Ngoài ra, Bộ cần thường xuyên cập nhật các chính sách và tình hình thị trường quốc tế, giúp doanh nghiệp có các biện pháp thích nghi với hoàn cảnh mới.

Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú, năm 2022, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại thông qua đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030”. “Các hình thức xúc tiến thương mại sẽ được triển khai đa dạng, phù hợp với từng thị trường, ngành hàng, đối tượng hỗ trợ. Nguồn lực được tập trung cho các hoạt động xúc tiến thương mại chuyên sâu, có tính trung và dài hạn; đẩy mạnh các hình thức xúc tiến thương mại mới thông qua môi trường số”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Lam Giang