Thị trường dịp Tết ổn định
Kinh tế - Ngày đăng : 21:03, 04/02/2022
Đánh giá về tình hình giá cả thị trường trước và trong Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Bộ Tài chính cho biết, hằng năm, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng bắt đầu tăng cao hơn vào ngày 23 tháng Chạp và sức mua tiếp tục tăng trong những ngày cận Tết.
Theo báo cáo tại một số thành phố lớn (thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ...), tại các chợ truyền thống, sức mua tăng 5% - 10% so ngày thường, đặc biệt, trong các ngày 27 - 29 âm lịch, sức mua tăng mạnh từ 20% đến 30% tại các chợ lẻ do đây là thời điểm bắt đầu nghỉ Tết; đối với hệ thống siêu thị tăng 20% - 25% so với ngày thường. Tuy nhiên, sức mua nói chung vẫn thấp hơn so với quy luật nhiều năm do ảnh hưởng chung của dịch bệnh đến tình hình kinh tế - xã hội.
Sang những ngày đầu năm mới, nhu cầu mua hàng hóa không cao. Tại các chợ đầu mối, lượng hàng nhập chợ khoảng 42% - 50% so ngày thường; giá các mặt hàng đa số đã trở về mức giá ngày thường, nhiều gian hàng đã kinh doanh buôn bán trở lại, hàng hóa dồi dào, sức bán vẫn chậm và giảm 25% - 35% so với năm ngoái do ảnh hưởng dịch bệnh. Nhiều siêu thị đã đóng cửa muộn và mở cửa sớm trong tuần lễ mua sắm Tết cao điểm, một số siêu thị mở cửa xuyên Tết.
Hầu hết các chợ, siêu thị đều đóng cửa vào ngày mùng 1 Tết và mở cửa rải rác từ ngày mùng 2 Tết đến mùng 4 Tết (Saigon Co.op mở cửa vào mùng 2, Hapromart, Winmart mở cửa từ sáng mùng 4). Sang ngày mùng 4-2 (tức mùng 4 Tết), hầu hết các chợ truyền thống, siêu thị đều đã mở cửa trở lại, nhiều cửa hàng nhỏ cũng dần mở cửa để bán “lấy ngày” đầu năm, hoạt động mua bán hầu như trở về bình thường, nhu cầu tiêu dùng chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như nhóm thực phẩm tươi sống thủy hải sản, rau củ quả tươi, hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Bên cạnh đó, dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, dịch vụ trông giữ xe chịu ảnh hưởng nhất định từ tình hình dịch bệnh.
“Về cơ bản, diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng tiêu dùng những ngày trước, trong và sau Tết không có biến động, một số mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết tăng theo quy luật hoặc theo diễn biến giá thế giới”, Bộ Tài chính nhận định.
Để tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo toàn ngành Tài chính tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022; trong đó, giao nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường công tác theo dõi sát biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu để kịp thời có các biện pháp quản lý, điều hành phù hợp, đi đôi với đó là đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết...
Theo Bộ Tài chính, hầu hết địa phương trong cả nước đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa chuẩn bị Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Những ngày sát Tết, giá gạo chất lượng cao, gạo nếp tăng nhẹ từ 3% đến 5% so với ngày thường, giá gạo tẻ thường ổn định. Giá thực phẩm tươi sống ổn định trước Tết do nguồn cung dồi dào và mức giá tương đối ổn định hoặc tăng giá nhẹ. Giá bán các mặt hàng rau củ, trái cây hầu hết tại các địa phương thời điểm trước Tết cơ bản ổn định, thậm chí giảm nhẹ so với thời điểm trước do cung khá dồi dào và ổn định. Song đến ngày mùng 4 Tết, giá rau tươi tại miền Bắc biến động tăng do nhu cầu người dân tăng cũng như thời tiết chuyển lạnh sâu tại miền Bắc. Theo đánh giá, đây chỉ là biến động cục bộ và giá rau tươi sẽ sớm trở lại giá ngày thường trong các ngày tới khi cung cầu ổn định.
Giá dịch vụ vận tải cơ bản vẫn ổn định, trong tầm kiểm soát của các địa phương. Do tác động của dịch Covid-19, nhiều người dân không về quê ăn Tết hoặc đi xe riêng, cũng như đã về từ những ngày trước nên nhu cầu đi lại giảm xuống, lượng khách tại các bến xe trung tâm khá ít...