OPEC tăng sản lượng: Nỗ lực bình ổn thị trường ''vàng đen''
Thế giới - Ngày đăng : 06:27, 05/02/2022
OPEC+ bao gồm 13 thành viên OPEC và 10 quốc gia sản xuất dầu liên minh, trong đó có Nga, chiếm tới hơn 40% nguồn cung dầu mỏ toàn cầu. Nhóm này nêu rõ quyết định vừa được đưa ra “dựa trên các nguyên tắc cơ bản của thị trường dầu mỏ hiện tại và sự đồng thuận về triển vọng”. Theo kênh CNBC, kế hoạch tăng sản lượng dầu được OPEC+ giữ nguyên sau cuộc họp ngắn nhất từ trước đến nay, trong bối cảnh các nhà đầu tư năng lượng đã cân nhắc tới tác động tiềm tàng của biến chủng Omicron và lạc quan rằng các ca lây nhiễm có thể ít nghiêm trọng. OPEC+ cho biết sẽ đặt mục tiêu tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày vào tháng 3, tiếp nối kế hoạch hằng tháng đã thống nhất vào tháng 7-2021 để thay thế dần việc cắt giảm sản lượng khi đại dịch bùng phát. Động thái này đã được dự đoán từ trước, trước lời kêu gọi của các nước tiêu thụ dầu lớn trên thế giới về việc tăng sản lượng với tốc độ nhanh hơn do lo ngại tình trạng giá năng lượng cao có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế.
Hãng tin Reuters dẫn một báo cáo chuẩn bị cho cuộc họp của các chuyên gia OPEC+ cho thấy, nhu cầu tiêu thụ sẽ trở lại mức trước đại dịch trong nửa cuối năm nay. Nhu cầu tiêu thụ dầu đã ở mức hơn 100 triệu thùng/ngày vào năm 2019 song đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch, khiến OPEC+ đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng kỷ lục 10 triệu thùng/ngày vào tháng 4-2020 để hỗ trợ thị trường năng lượng. CNBC cho rằng, nhìn vào khả năng phục hồi của thị trường đến nay trước biến chủng Omicron, có nhiều lạc quan về nhu cầu tiêu thụ mặc dù cũng có những dự đoán về tình trạng dư thừa nguồn cung trong quý đầu tiên của năm.
Tuy nhiên, Reuters nhận định, việc tăng sản lượng dầu của OPEC+ rất phức tạp do một số thành viên thậm chí vẫn đang phải vật lộn để đạt được các mục tiêu hằng tháng hiện tại và thiếu công suất dự phòng để thúc đẩy sản xuất hơn nữa. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), vào tháng 12-2021, OPEC+ đã tăng sản lượng chỉ 250.000 thùng/ngày, sau khi Nigeria, Angola và Malaysia đều ghi nhận mức sản xuất thấp hơn kỳ vọng. IEA cho biết, các nước này đều phải đối mặt với “các vấn đề kỹ thuật và vận hành”. Chỉ một số quốc gia có đủ công suất dự phòng có thể giúp thúc đẩy mức sản lượng chung của OPEC. Theo hãng tin Aljazeera, những khó khăn lan rộng trong việc khôi phục nguồn cung ngày càng đặt ra gánh nặng cho các quốc gia vùng Vịnh của nhóm là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Iraq và Kuwait.
Reuters cũng đánh giá, việc bắt đầu tăng sản lượng vẫn có thể khiến giá dầu tăng cao hơn, vì nó sẽ loại bỏ một lớp đệm an toàn trong trường hợp có bất kỳ cú sốc toàn cầu nào. Thị trường dầu mỏ thế giới được dự báo vẫn sẽ ảnh hưởng bởi xu hướng địa chính trị vào năm 2022, trong bối cảnh tình hình căng thẳng dai dẳng giữa Nga - Ukraine hay các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran đang được OPEC+ theo dõi chặt chẽ. Các nhà hoạch định chính sách của OPEC+ cũng phải cân nhắc những biến số tác động tới thị trường, trong đó sự bùng phát và các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 luôn tiềm ẩn rủi ro cho kinh tế các nước. Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) đã dự báo, giá dầu sẽ vượt 100 USD/thùng trong quý III và dự kiến công suất dự phòng của OPEC+ sẽ đạt “mức thấp trong lịch sử” khoảng 1,2 triệu thùng/ngày vào giữa năm.
Trước những biến động liên tục của thị trường, OPEC+ dự kiến sẽ tiếp tục nhóm họp vào ngày 2-3 tới.