Đồng hành với doanh nghiệp

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 05:04, 05/02/2022

(HNM) - Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ đã được ban hành, thể hiện sự đồng hành của Chính phủ với doanh nghiệp. Nhờ đó, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất và kinh doanh. Một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được thiết kế dài hơi với 5 giải pháp được cho là đủ mạnh, cơ bản bao quát hết các lĩnh vực cần hỗ trợ cũng như cấu trúc của nền kinh tế, hướng tới phục hồi nhanh và phát triển sau khi kiểm soát được đại dịch.

Nhân viên hướng dẫn đại diện doanh nghiệp làm thủ hỗ trợ vốn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TP Bank). Ảnh: Quang Thái

Một loạt chính sách hỗ trợ

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, lũy kế từ ngày 23-2-2020 đến cuối năm 2021, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 1,9 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với dư nợ gần 3,79 triệu tỷ đồng và cho vay mới với lãi suất thấp hơn trước dịch 0,5-1,5% hơn 7 triệu tỷ đồng. Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, 16 ngân hàng thương mại thông qua Hiệp hội Ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay áp dụng từ ngày 15-7-2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng khoảng 15.560 tỷ đồng.

Còn Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Xuân Bách cho biết, nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân đã được các cấp có thẩm quyền ban hành trong năm 2021, như gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay và tiếp tục giảm mức thu hơn 30 khoản phí, lệ phí; giảm tiền thuê đất; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm thuế giá trị gia tăng… Cơ quan thuế đã tiếp nhận và giải quyết gia hạn thời hạn nộp thuế cho gần 140.000 người nộp thuế, với tổng số tiền trên 92.000 tỷ đồng…

Thực tế cho thấy, các chính sách hỗ trợ đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Mạnh Thành Công Phạm Văn Mạnh cho hay, trong thời gian gần 4 tháng thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, công ty gia tăng chi phí sản xuất "3 tại chỗ", vẫn trả lương đầy đủ cho người lao động, dù nhà máy chỉ hoạt động nửa công suất, sản phẩm cũng giảm một nửa, khó tiêu thụ do các quy định hạn chế về giao thương, vận chuyển. Tuy nhiên, công ty đã kịp thời nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Người lao động của Mạnh Thành Công được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai hỗ trợ thu nhập trong 3 đợt từ tháng 6 đến tháng 9-2021. Thêm vào đó, doanh nghiệp được ngân hàng hỗ trợ lãi suất, giảm từ 7,5%/năm xuống còn 6,5%/năm đến tháng 12-2021, khi vay vốn để giúp doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất.

Còn Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt Tiệp Nguyễn Văn Tuấn kể: “Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề, doanh thu sụt giảm mạnh, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội. Vì vậy, chính sách gia hạn thuế và tiền thuê đất được ban hành có ý nghĩa rất quan trọng với chúng tôi, bởi doanh nghiệp có dòng tiền để sử dụng vào hoạt động kinh doanh nhằm duy trì sản xuất, chi trả các chi phí, nhất là trả đều đặn tiền lương cho người lao động. Đây cũng là nguồn lực đầu tư sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả hơn. Sau khi hết thời gian gia hạn, chúng đã nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước theo quy định”. Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T group Nguyễn Đình Tùng cũng nhìn nhận, trong bối cảnh khó khăn, bất cứ chính sách hỗ trợ nào đều có ý nghĩa với doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ cần mang tính dài hơi hơn và triển khai nhanh hơn để từ đó tác động tích cực hơn nữa đến doanh nghiệp.

Hướng tới phục hồi nhanh và phát triển sau khi kiểm soát dịch bệnh

Sự hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt khó tiếp tục được Chính phủ chú trọng trong thời gian tới khi tại Nghị quyết số 138/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2021, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, Chính phủ yêu cầu làm rõ các cơ chế, chính sách về tài khóa, tiền tệ và các chính sách cần thiết khác để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tại phiên họp chuyên đề tháng 11-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với lộ trình mở cửa từng bước nền kinh tế theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Mục tiêu đặt ra là thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế, tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng phải bảo đảm nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, các nguồn lực phải được chú trọng sử dụng hiệu quả, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương thông tin, chương trình này được trình Quốc hội vào phiên họp bổ sung cuối năm 2021. Về nội dung cơ bản, chương trình phục hồi gồm 5 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: Y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ gia đình, kích thích đầu tư công, cải cách hành chính. 5 nhóm giải pháp này đã đủ mạnh và cơ bản bao quát hết các lĩnh vực cần hỗ trợ cũng như cấu trúc của nền kinh tế, hướng tới phục hồi nhanh và phát triển sau khi kiểm soát được đại dịch. Thời gian dự kiến áp dụng chương trình là khoảng 2 năm, tập trung chủ yếu vào năm 2022 và 2023. Tùy diễn biến của dịch Covid-19 và tình hình kinh tế - xã hội, một số giải pháp có thể sẽ kéo dài thêm. Chẳng hạn như các dự án đầu tư công có quy mô lớn, điển hình là cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025. Đây là dự án có tổng mức đầu tư rất lớn và trong thời gian dài, do đó rất khó có thể thực hiện trong vòng 2 năm. “Công cụ để thực hiện các giải pháp của chương trình phục hồi chủ yếu tập trung vào chính sách tài khóa và tiền tệ, kết hợp với các công cụ khác như huy động các quỹ ngoài ngân sách, quỹ của doanh nghiệp, sự tham gia của khu vực tư nhân”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, gói miễn, giảm thuế hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong năm 2022 dự kiến có quy mô hơn 60.000 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với quy mô gói hỗ trợ năm 2021. Bộ Tài chính cũng vừa ban hành quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, kể từ ngày 1-1 đến 30-6-2022, 37 khoản phí, lệ phí được giảm với mức từ 10% đến 50%.

Thực tế việc đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp là mục tiêu xuyên suốt, không có điểm dừng của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương. Việc đồng hành, hỗ trợ càng có ý nghĩa khi từ gần 2 năm qua, dịch Covid-19 đã khiến doanh nghiệp, người dân gặp vô vàn khó khăn. Một chính sách hỗ trợ hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi, nhanh chóng lấy lại đà phát triển.

Hương Nga