Phù hợp xu thế

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:17, 06/02/2022

(HNM) - Chuyển đổi số hiện là xu thế phát triển của mọi ngành nghề, trong đó có ngành Xuất bản. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chuyển đổi số đã trở thành “cú hích”, là cơ hội lớn mở ra giai đoạn mới cho hoạt động xuất bản.

Thay vì chỉ có thể mang theo một vài cuốn sách giấy bên mình, giờ đây, người đọc có thể cùng đồng hành với rất nhiều đầu sách qua các ấn bản điện tử. Ở bất kỳ đâu và thời gian nào, chỉ cần có điện thoại thông minh kết nối internet, người đọc đều có thể trải nghiệm những nền tảng sách điện tử như ebook, audio book... thậm chí có thể nghe sách khi ngồi trên tàu, xe hoặc khi làm việc tại nhà. Với những tiện ích và lợi thế riêng có, phù hợp xu thế, ấn bản phẩm điện tử ngày càng thu hút lượng độc giả rộng rãi hơn. Cùng với đó, chuyển đổi số trong xuất bản góp phần giúp văn hóa đọc ngày càng phát triển, cả về chiều rộng và chiều sâu.

Trong điều kiện bùng nổ của thiết bị thông minh như hiện nay, việc sử dụng ebook, audio book… sẽ ngày càng phổ biến. Nói cách khác, chuyển đổi số sẽ là một cuộc cách mạng lớn làm thay đổi toàn ngành Xuất bản, từ khâu sản xuất (biên tập, thiết kế, xuất bản) cho tới khâu tổ chức lưu thông, phân phối qua các nền tảng, hệ thống cung cấp sách điện tử.

Để khai thác hiệu quả “mảnh đất màu mỡ” trong lĩnh vực xuất bản điện tử, vấn đề cần quan tâm hiện nay là các nhà xuất bản phải tập trung đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của khách hàng. Do đó, yếu tố gốc vẫn phải là tạo ra được những cuốn sách có nội dung chất lượng, thu hút bạn đọc. Chỉ khi có sách hay, thì phát hành trên môi trường số mới hiệu quả. Muốn vậy, giải pháp căn bản là hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan trong môi trường kỹ thuật số để tạo ra sản phẩm cuối cùng mà mọi người đều hài lòng. Đáp ứng được yêu cầu này, cần nhiều yếu tố, bao gồm đội ngũ nhân lực chất lượng cao, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ… Cùng với đó là đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên môi trường số, làm sao để tiếp cận đến mọi đối tượng độc giả, với những sản phẩm (gồm nội dung và ứng dụng đọc sách) phù hợp với từng phân khúc bạn đọc.

Một điểm đáng chú ý là, khi xuất bản ấn phẩm điện tử thì cách thức đọc sách, mua sách hoặc mượn sách ở thư viện của độc giả cũng sẽ thay đổi theo. Vì thế, sự thay đổi, thích ứng với môi trường số của lĩnh vực xuất bản đòi hỏi phải đồng bộ, xuyên suốt để tạo thuận lợi cho bạn đọc.

Quá trình chuyển đổi số cũng không thể không quan tâm đến việc bảo đảm an toàn. Đây là vấn đề sống còn không chỉ cho nhà xuất bản, mà còn góp phần bảo vệ quyền lợi của bạn đọc. Vì vậy, việc phát triển các ứng dụng đọc sách; quầy hàng sách trực tuyến… cần đáp ứng được những yếu tố bảo mật thông tin, quyền tác giả - tác phẩm… Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).

Ở góc độ bạn đọc, ngoài tình yêu với sách, cần tiếp cận những ấn phẩm sách điện tử có bản quyền; kiên quyết tẩy chay những ấn phẩm sách lậu, sách giả trên môi trường số, để cùng cơ quan chức năng loại bỏ những vi phạm trong lĩnh vực xuất bản sách.

Phát triển trên môi trường số là xu thế, nhưng rõ ràng sách điện tử, sách nói và sách giấy truyền thống vẫn có mối quan hệ tương hỗ, bổ trợ cho nhau. Mục đích cuối cùng là phải làm sao để sách (sách điện tử, sách nói, sách giấy) tiếp cận đến mọi đối tượng, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của độc giả trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay.

Bắc Vũ