Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho phụ nữ Thủ đô có trọng tâm, trọng điểm

Đời sống - Ngày đăng : 10:35, 06/02/2022

(HNMO) - Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp phụ nữ nhằm góp phần giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phụ nữ, xây dựng văn hóa thượng tôn pháp luật trên địa bàn Thủ đô và thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về văn hóa xã hội mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đề ra…

Đây là tinh thần được nêu rõ tại Kế hoạch số 36/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026. Kế hoạch này nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 32-CT/TƯ ngày 9-12-2003 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”, Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 6-10-2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Kết luận số 80-KL/TƯ ngày 20-6-2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TƯ của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân”, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội và Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ thành phố lần thứ XVI nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo đó, các cấp ủy, chính quyền thành phố chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật cho phụ nữ là đội ngũ cán bộ, báo cáo viên, tuyên truyền viên, tư vấn viên pháp luật, hòa giải viên cơ sở. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các ngành trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ; tham gia xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phụ nữ, bình đẳng giới.

UBND thành phố lưu ý, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho phụ nữ có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; tập trung vào các đợt cao điểm, các địa bàn phức tạp và các nhóm phụ nữ đặc thù; có sự kết hợp, lồng ghép với việc triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị; bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí. Đồng thời, đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy tinh thần nêu gương, ý thức tự học tập, tìm hiểu và chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, hội viên, phụ nữ…

Hoài Thu