Công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà thầu

Kinh tế - Ngày đăng : 06:56, 07/02/2022

(HNM) - Quốc hội đã thông qua nghị quyết cho phép Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 được áp dụng một số cơ chế đặc thù, trong đó có chỉ định thầu. Khẳng định cơ chế đặc thù sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ dự án, song các chuyên gia giao thông cũng nhấn mạnh, phải có biện pháp quyết liệt nhằm loại bỏ cơ chế xin - cho. Các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch nhằm lựa chọn nhà thầu đủ tiềm lực tài chính và năng lực thi công.

Việc chỉ định thầu tại Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ dự án.

Rút ngắn thời gian

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 dài khoảng 729km, chia thành 12 dự án thành phần, được thực hiện theo hình thức đầu tư công. Theo nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026. Dự án được áp dụng một số cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, trong đó có chỉ định thầu.

Đề cập đến vấn đề này, Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông - vận tải (TEDI) Phạm Hữu Sơn phân tích, chỉ định thầu hiểu đơn giản là đấu thầu có một nhà thầu. Dù chỉ có một song nhà thầu này vẫn phải đáp ứng các tiêu chuẩn, tiêu chí về năng lực, trình độ theo yêu cầu của dự án. Quá trình đó còn có sự đánh giá, sàng lọc, tư vấn công khai, minh bạch, để loại bỏ nhà thầu yếu kém, bảo đảm dự án không chỉ nhanh về tiến độ mà còn bảo đảm về chất lượng.

Đồng quan điểm này, đại diện một số nhà thầu đã và đang thi công các công trình giao thông lớn cho rằng, theo quy định hiện hành, quy trình đấu thầu được tiến hành theo nhiều bước, từ mời thầu, dự thầu, mở thầu, đánh giá, so sánh hồ sơ dự thầu cho đến lựa chọn nhà thầu, thông báo kết quả thầu và ký kết hợp đồng. Việc làm này là cần thiết song với những công trình, dự án yêu cầu tiến độ cấp bách thì chỉ định thầu sẽ là giải pháp giúp rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ dự án.

“Vấn đề quan trọng của chỉ định thầu là tìm "đúng người, đúng việc", đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Vì thế trước hết, chủ đầu tư phải chọn được đơn vị tư vấn thiết kế, lập dự án có năng lực, bám sát được giá thực tế, bởi nếu không sẽ khó có doanh nghiệp nào dám nhận dự án”, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ Phạm Văn Khôi chia sẻ.

Sàng lọc, loại bỏ các nhà thầu yếu kém

Bên cạnh ưu điểm rút ngắn các bước quy trình, thời gian thì cơ chế chỉ định thầu cũng đem đến những lo ngại về cơ chế xin - cho và nguy cơ “lọt” các nhà thầu yếu kém tham gia dự án, nhất là khi cao tốc Bắc - Nam là dự án trọng điểm quốc gia.

“Đấu thầu hay chỉ định thầu mục đích là lựa chọn nhà thầu để làm ra sản phẩm cuối cùng. Nhiều dự án khi đấu thầu giảm giá được hàng trăm tỷ đồng nhưng chất lượng sản phẩm cuối cùng lại không như mong muốn thì thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều. Do đó, cùng với chỉ định thầu, cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tình trạng lợi ích nhóm. Nhà thầu được chọn phải chứng minh là doanh nghiệp đủ tiềm lực tài chính và năng lực thi công. Tiến độ dự án quan trọng nhưng dứt khoát không được xảy ra tình trạng kém chất lượng”, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) Trần Chủng cho biết.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể, chỉ định thầu giúp mỗi bước trong quy trình đầu tư giảm được 3-4 tháng, giúp rút ngắn từ 6 đến 9 tháng cho quá trình xây lắp. Cùng với việc đổi mới một số công đoạn như khi phê duyệt dự án thì bàn giao cho địa phương tiến hành giải phóng mặt bằng, Bộ Giao thông - Vận tải cố gắng những tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023 có thể khởi công các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Sau đó dành thời gian từ năm 2023 đến 2025 để thi công, hoàn thành dự án.

“Việc chỉ định thầu không ảnh hưởng đến chất lượng dự án. Kinh nghiệm từ dự án cải tạo đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã có. Chỉ định thầu nhưng đi kèm là ban hành một bộ hồ sơ yêu cầu trình độ, năng lực, kinh nghiệm nhà thầu. Đơn vị nào đáp ứng yêu cầu mới được đưa vào danh sách để xem xét, tuyển chọn. Đơn vị nào chưa tham gia công trình lớn, không đáp ứng được thì sẽ không vượt qua bước tuyển chọn đầu tiên. Đơn vị tham gia dự án phải đưa ra được kế hoạch tổng thể. Chúng tôi kiểm tra thấy bảo đảm yêu cầu thì mới được chọn. Bộ sẽ công khai, minh bạch quá trình lựa chọn để tìm được những nhà thầu tốt nhất. Chính phủ cũng đã dự kiến thành lập hội đồng liên bộ để xét tuyển nhà thầu, tư vấn Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, Bộ Giao thông - Vận tải cũng kiên quyết cắt thầu, chỉ định ngay nhà thầu thay thế để bảo đảm tiến độ cho toàn Dự án cao tốc Bắc - Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Tuấn Lương