Hà Nội phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch: Khơi mở hướng đi riêng

Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:17, 07/02/2022

(HNM) - Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, Hà Nội đã và đang tạo ra hướng đi riêng phù hợp với đặc thù. Trong đó có việc tận dụng tối đa lợi thế về đa dạng hệ sinh thái - tự nhiên, bản sắc văn hóa và đặc biệt là vị trí thuận lợi kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước để tạo dựng một nền nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch...

Trang trại Chimi Farm 4 (xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh) - mô hình phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch thu hút nhiều du khách tới trải nghiệm. Ảnh: Chí Hiếu

Những điểm nhấn của nông nghiệp sinh thái

Tự hào về mô hình “du lịch - sinh thái - làng nghề” Hồng Vân (huyện Thường Tín), ông Nguyễn Văn Đễ - người sinh sống ở địa phương này giới thiệu: Là dải đất được phù sa sông Hồng bồi tụ, từ lâu nổi tiếng với nghề sinh vật cảnh và hiện đã có 2 làng được công nhận làng nghề sinh vật cảnh là làng Cơ Giáo và làng Xâm Xuyên. Hồng Vân còn được mệnh danh là “miền quê sạch đẹp bốn mùa” với diện tích cây xanh đạt bình quân 2m2/người...

Trong câu chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng cho biết: Năm 2014, Hồng Vân đạt chuẩn nông thôn mới, năm 2019 được công nhận xã nông thôn mới nâng cao. Để tạo đột phá mới, Hồng Vân tập trung phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái và đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh. Mỗi năm xã đón khoảng 70.000 du khách tới tham quan khu trưng bày sản phẩm làng nghề sinh vật cảnh; trải nghiệm cùng các mô hình trang trại; thưởng thức các món ăn tại khu ẩm thực đồng quê… Doanh thu từ hoạt động du lịch lên tới hơn 10 tỷ đồng...

Cũng có mô hình phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch, trang trại mang tên Chimi Farm 4 nằm trên bãi bồi sông Hồng, tại xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh) cũng là một điển hình. Anh Vũ Văn Lực, chủ trang trại cho biết: Khu vườn trồng nho có diện tích 2,5ha với 1.000 gốc gồm nhiều giống nho khác nhau, trong đó có loại nho đen không hạt của Nhật Bản. Thời điểm vườn nho cho thu hoạch, nhiều du khách đến trải nghiệm, tự tay lựa những chùm nho chín mang về. Giá nho thương phẩm hiện nay là 150.000-180.000 đồng/kg, còn khách tham quan và hái nho tại vườn có giá là 200.000 đồng/kg.

Nói về việc phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường thông tin: Hà Nội hiện có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm, 4 hợp tác xã nông nghiệp khai thác mô hình trang trại đồng quê… Nhiều mô hình phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp với du lịch cho hiệu quả kinh tế cao, qua đó nâng cao đời sống người dân và tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn.

Nghề sinh vật cảnh tại xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) đã thu hút nhiều du khách tới tham quan, trải nghiệm.

Gắn du lịch sinh thái với quy hoạch nông thôn

Để mô hình này phát triển bền vững, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Hà Nội xác định phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp hướng đến xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu là một nhiệm vụ quan trọng, mang tính chiến lược. Tuy nhiên, các mô hình này còn khoảng cách khá xa so với thế mạnh và tiềm năng của Hà Nội. Nguyên nhân chính là việc phát triển các mô hình chưa gắn với quy hoạch nông thôn và việc điều chỉnh quy hoạch cũng còn nhiều vướng mắc. Mặt khác, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp sinh thái hiện nay chưa sát với thực tế phát triển…

Theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Hà Nội có nền sinh thái nông nghiệp từ lâu đời và được mệnh danh là “vùng đất trăm nghề” nên hội tụ được rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Do vậy, Hà Nội cần khai thác thế mạnh đặc thù đó; đồng thời thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái, hướng đến xây dựng nông thôn mới bền vững, toàn diện.

Còn Tiến sĩ Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng: Hà Nội cần hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch nông thôn, qua đó tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái gắn với các mục tiêu xây dựng nông thôn mới; đồng thời nghiên cứu thị trường, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ và xúc tiến quảng bá du lịch nông nghiệp sinh thái. Đặc biệt là cần tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, vật chất kỹ thuật, ứng dụng công nghệ số theo hướng đồng bộ để hoạt động du lịch nông nghiệp sinh thái ngày càng được nâng cao về chất lượng. Trong đó, Hà Nội cần ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối từ trung tâm thành phố đến các khu du lịch nông nghiệp ở ngoại thành, cũng như xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu tại các điểm du lịch. Cùng với đó là liên kết đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho nông nghiệp sinh thái và du lịch nông nghiệp.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền thông tin: Cùng với việc ban hành kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đã thúc đẩy nhiều giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển lĩnh vực này; đồng thời hỗ trợ đào tạo người dân làm du lịch…, qua đó, tạo điều kiện để du lịch nông thôn phát triển gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu…

Mặt khác, Hà Nội sẽ thúc đẩy việc xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô trên cơ sở phát triển thương hiệu du lịch nông nghiệp sinh thái, du lịch vùng; doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm du lịch. Đặc biệt, Hà Nội sẽ triển khai mạnh mẽ các giải pháp nâng cao vai trò của cộng đồng, xây dựng cộng đồng du lịch nông nghiệp văn minh, thân thiện và hiện đại.

Đỗ Minh