Dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng

Xây & Chống - Ngày đăng : 06:28, 07/02/2022

(HNM) - 1. Trong Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có 19 lần nhắc đến hai từ “nhân dân”, trong đó nêu rõ yêu cầu phải “Thực sự dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định, sự gắn bó mật thiết với nhân dân là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Trong bài viết quan trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã một lần nữa nhấn mạnh: “Trong chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân là mối quan hệ giữa các chủ thể thống nhất về mục tiêu và lợi ích; mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu...”.

Thực tế đã chứng minh vai trò to lớn và không thể phủ nhận của nhân dân đối với công tác xây dựng Đảng. Gần đây nhất, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã thực sự là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, là biểu hiện của “Ý Đảng, lòng dân” thông qua đợt lấy ý kiến sâu rộng trong nhân dân mà kết quả tổng hợp là 1.410 trang viết. Tại Đảng bộ thành phố Hà Nội, văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ thành phố được đánh giá cao về chất lượng một phần là nhờ tiếp thu ý kiến góp ý sâu rộng trong nhân dân với hơn 6.600 ý kiến khác nhau. Không chỉ vậy, từ nhiều năm nay, cùng với trung ương và cấp ủy các cấp trên cả nước, Thành ủy Hà Nội luôn có các kênh hằng ngày tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, ý kiến, kiến nghị của cán bộ, đảng viên và nhân dân để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Các ủy viên cấp ủy, ủy viên thường vụ cấp ủy từ thành phố xuống cơ sở được phân công phụ trách địa bàn để thường xuyên tiếp xúc và lắng nghe nhân dân. Nhiều cấp ủy có sáng kiến giao cho cán bộ hằng tháng về dự họp chi bộ địa bàn dân cư, tham gia giao ban dư luận xã hội để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân... Nhờ dựa vào dân, Đảng bộ thành phố đã gương mẫu đi đầu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; lãnh đạo hệ thống chính trị và nhân dân hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị, xứng đáng là đảng bộ lớn nhất cả nước.

Tuy nhiên, hiện tượng quan liêu, xa rời quần chúng vẫn còn trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và ở một số tổ chức Đảng. Báo cáo kết quả công tác xây dựng Đảng năm 2021 của Thành ủy Hà Nội nêu: “Việc nắm bắt, dự báo diễn biến tình hình tư tưởng, dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân, thông tin tình hình cơ sở, giải quyết vướng mắc của nhân dân có lúc chưa kịp thời”. Trong Kết luận số 21-KL/TƯ, Trung ương cũng nhìn nhận: “Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên chưa hiệu quả” và còn hiện tượng cán bộ “vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân”.

2. Thực tế trên đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu phải nâng cao nhận thức và hành động thực sự dựa vào nhân dân nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị để có kết quả xứng đáng. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh việc thực hiện Kết luận số 21-KL/TƯ về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Các giải pháp cần tập trung trước hết là phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đảng, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các cơ quan báo chí và nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Các cấp ủy cần nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của đảng viên, đạo đức công vụ, chuẩn mực, giá trị con người Việt Nam phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên, đội ngũ công chức, viên chức rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình trước Đảng và nhân dân.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có lý tưởng cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Cán bộ dù ở vị trí nào cũng phải luôn ý thức đầy đủ về trách nhiệm và phải gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

Một giải pháp quan trọng khác là phải nghiên cứu, ban hành cơ chế bảo vệ, khuyến khích nhân dân phản ánh, tố giác cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực; phát huy vai trò và nâng cao chất lượng phản biện xã hội của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong công tác xây dựng pháp luật và giám sát việc thực hiện pháp luật; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trực tiếp phản ánh, góp ý với cấp ủy về công tác cán bộ. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tăng cường trách nhiệm giải trình, thực hiện nghiêm quy định của Đảng, Nhà nước về tiếp, đối thoại với công dân; tiếp nhận và kịp thời chỉ đạo giải quyết các vấn đề nhân dân phản ánh, khiếu kiện, nhất là những vấn đề liên quan đến đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Yêu cầu đã rõ, giải pháp đầy đủ, hành động quyết liệt của các cấp ủy, tổ chức Đảng - với sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân, sự tiên phong gương mẫu của mỗi đảng viên - chắc chắn sẽ đem lại những chuyển động mới mạnh mẽ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Nhị Hồng