Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Phi lần thứ 35: Tăng cường hợp tác khu vực

Thế giới - Ngày đăng : 06:26, 08/02/2022

(HNM) - Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 35 của Liên minh châu Phi (AU) kéo dài hai ngày (5 và 6-2) ở thủ đô Addis Ababa, Ethiopia vừa kết thúc với hàng loạt chủ đề “nóng” được các nhà lãnh đạo khu vực tập trung thảo luận. Trong bối cảnh Lục địa đen đang đối mặt với những thách thức của làn sóng Covid-19 cùng tình trạng leo thang bạo lực và quân sự, hội nghị lần này được kỳ vọng nhằm tăng cường hợp tác khu vực cũng như đưa ra các biện pháp ứng phó với đại dịch.

Quang cảnh Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 35 của Liên minh châu Phi tại thủ đô Addis Ababa (Ethiopia).

Theo chương trình nghị sự, chủ đề năm nay của hội nghị là “Xây dựng khả năng phục hồi dinh dưỡng ở lục địa châu Phi” nhưng một loạt vấn đề khác cũng sẽ được các nhà lãnh đạo của 55 quốc gia thành viên tìm cách giải quyết, bao gồm biến đổi khí hậu, sản xuất vắc xin phòng Covid-19 và các vấn đề liên quan đến bất ổn chính trị.

Trước đó, trong khuôn khổ phiên họp thứ 35 của Hội đồng AU diễn ra ngày 5-2 tại Addis Ababa, Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat đã bày tỏ quan ngại về tình hình an ninh tại châu Phi. Ông M.F.Mahamat cho rằng tình hình an ninh châu lục đứng trước những thách thức từ chủ nghĩa khủng bố và sự trỗi dậy nguy hiểm của làn sóng thay đổi chính phủ. Phát biểu với báo giới khi hội nghị thượng đỉnh thường niên của AU bế mạc ngày 6-2, người đứng đầu Hội đồng An ninh và Hòa bình của AU, ông Bankole Adeoye nêu rõ: “Tất cả các nhà lãnh đạo trong hội đồng đều kịch liệt lên án làn sóng thay đổi chính phủ một cách vi hiến”.

Trên thực tế, bên cạnh Covid-19, “đại dịch” đảo chính gần đây đã gây chấn động Tây Phi. Kể từ giữa năm 2021 đã có 4 quốc gia thành viên AU bị Hội đồng An ninh và Hòa bình của khối đình chỉ tư cách thành viên do thay đổi chính phủ một cách vi hiến, gồm Burkina Faso, Mali, Guinea và Sudan. Sự gia tăng các cuộc đảo chính được bắt nguồn từ nguyên nhân “nghèo đói và vấn nạn tham nhũng phổ biến”.

Trong số 10 quốc gia châu Phi có nhiều người di cư nhất, 9 quốc gia có chính phủ theo khuynh hướng độc tài. Giám đốc của Tổ chức Theo dõi nhân quyền tại châu Phi Carine Kaneza Nantulya nhận định: “Các nhà lãnh đạo châu Phi nên coi việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình thông qua các cuộc bầu cử đáng tin cậy là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy an ninh trên lục địa này”.

Bên cạnh đó, tại hội nghị lần này, AU cũng thảo luận về việc cần phối hợp mạnh mẽ hơn để ứng phó với đại dịch Covid-19. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, tính đến cuối tháng 1-2022, chỉ có 11% trong số hơn một tỷ người dân châu Phi được tiêm chủng đầy đủ, chủ yếu là do bất bình đẳng trong tiếp cận vắc xin. Để giải quyết thách thức này, các quốc gia thành viên cần tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng y tế, đồng thời thúc ép các chính phủ phương Tây chuyển giao rộng rãi công nghệ vắc xin phòng Covid-19 cho các nhà sản xuất có năng lực ở châu Phi.

Cuối cùng, một vấn đề không thể bỏ qua là cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu đang diễn ra ở nhiều nơi tại châu Phi cần được giải quyết khẩn cấp để giúp các cộng đồng địa phương thoát khỏi nạn đói, nghèo và các bệnh truyền nhiễm lan rộng. Phát biểu trước thềm hội nghị thượng đỉnh, các nhà hoạt động môi trường lưu ý rằng, biến đổi khí hậu đã gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với sự tồn tại của các cộng đồng ở lục địa này, do đó cần phải có những hành động cấp bách để bảo vệ cuộc sống, hệ sinh thái.

Liên minh châu Phi được thành lập cách đây 20 năm để thúc đẩy hợp tác quốc tế và hài hòa chính sách của các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban AU M.F.Mahamat cho rằng thách thức hiện nay đối với chính quyền các nước thành viên là việc huy động các nguồn nội lực, từ đó mới có thể khơi dậy tiềm năng, phát triển bền vững.

Thùy Dương