Có đủ xăng dầu dự trữ cung ứng cho thị trường
Kinh tế - Ngày đăng : 18:59, 08/02/2022
Có khan hiếm cục bộ
Ngày 8-2, theo thống kê của Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố chỉ có 2/548 cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động, do thiếu nguồn hàng. Nhưng ở các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động. Đơn cử tại An Giang, tính đến ngày 8-2, có 23 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hoạt động cầm chừng, một số xin tạm dừng hoạt động, do thiếu nguồn cung. Tại Kiên Giang, khoảng 20 cửa hàng kinh doanh xăng dầu xin tạm ngừng kinh doanh…
Cũng theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng khan hiếm cục bộ một số mặt hàng xăng dầu trong thời điểm này là do thị trường xăng dầu thế giới đang có nhiều biến động, giá dầu thô đang có chiều hướng tăng, có thể chạm ngưỡng 100 USD/thùng. Trong bối cảnh đó, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (nơi cung ứng 35% nhu cầu xăng dầu của cả nước) đang hoạt động không hết công suất, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Ngoài ra, theo quy định của Chính phủ, việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu được thực hiện vào các ngày 1, 11 và 21 hằng tháng. Nhưng ngày 1-2 đúng vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nên các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu chưa thể tăng giá bán theo giá thị trường, dẫn đến khó khăn trong nguồn thu để duy trì hoạt động. Chủ một cây xăng trên địa bàn quận 7 (thành phố Hồ Chí Minh) xin giấu tên, cho biết: “Giá nhập tăng, nhưng giá bán không tăng, nhiều mặt hàng xăng dầu đang có chiết khấu bằng 0. Có cơ sở kinh doanh xăng dầu còn lỗ tiền nhân công. Chúng tôi vẫn đang duy trì hoạt động, nhưng rất mong các cấp quản lý sớm có phương án giải quyết vấn đề này”.
Nói rõ hơn về tình hình khan hiếm cục bộ xăng dầu trên địa bàn Đồng bằng sông Cửu Long, ông Mai Văn Thành, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro) cho biết, đã có văn bản gửi Bộ Công Thương. Theo đó, nhu cầu xăng dầu thị trường đang cao, doanh nghiệp đã cố gắng cung ứng đủ theo định mức được giao (khoảng 460.000m3 năm 2021). Doanh nghiệp đã phối hợp với các bên nhập xăng dầu từ nước ngoài về cung ứng cho thị trường trong nước, song cần có thời gian để hàng về đến Việt Nam.
Triển khai nhiều giải pháp
Trong cuộc họp với Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh và một số doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu, phân phối xăng dầu trên địa bàn vào ngày 8-2, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng đã đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp có kế hoạch nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung, duy trì xăng dầu trong hệ thống để bán hàng liên tục, phục vụ sản xuất, tiêu dùng tại thành phố.
Tại cuộc họp, một số doanh nghiệp chủ lực như Công ty Xăng dầu khu vực II - TNHH MTV (Petrolimex), Công ty cổ phần Xăng dầu và Dịch vụ hàng hải STS, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (Satra)… bảo đảm nguồn cung ứng ra thị trường liên tục trong 40-60 ngày. Các đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng cam kết bảo đảm lượng hàng dự trữ, ổn định giá cả các mặt hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố từ nguồn dự trữ xăng dầu tối thiểu trong 30 ngày trong bất kỳ tình huống nào; tăng cường nhập khẩu khi nguồn cung trong nước tạm thời gián đoạn. Hiện tổng lượng tiêu thụ xăng dầu bình quân trên địa bàn khoảng 6.880 m3/ngày.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng cho biết thêm, UBND thành phố sẽ kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nghiên cứu tham mưu Chính phủ trong các trường hợp đặc biệt cần có cơ chế linh hoạt, điều chỉnh giá xăng dầu kịp thời để các doanh nghiệp đầu mối chủ động, điều phối nguồn cung phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Còn tại Long An, ông Dương Văn Hoàng Hoanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, kể từ ngày 9-2, tất cả cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh cam kết mở cửa hoạt động, đơn vị nào thực hiện không đúng theo quy định sẽ bị xử lý. Ngày 11-2, các đầu mối nhập khẩu xăng dầu và đơn vị bán lẻ sẽ có buổi làm việc để điều chỉnh thống nhất mức giá, mức chiết khấu nhằm đảm bảo hoạt động... UBND tỉnh và các ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng, thành phố Cần Thơ và nhiều địa phương phía Nam khác cũng đã có những động thái tương tự, nhằm sớm ổn định thị trường.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin, Bộ đã trao đổi với các đầu mối xăng dầu lớn để có sự phối hợp, chủ động tìm nguồn cung, đảm bảo an ninh năng lượng. Cùng với đó, Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ để có phương án xử lý. Tinh thần chung là cơ quan chức năng sẽ nỗ lực đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của thị trường.