Cải cách hành chính để phát triển
Cải cách hành chính - Ngày đăng : 06:16, 09/02/2022
Cải cách mạnh mẽ
Theo UBND thành phố Hà Nội, trong năm 2021, các sở, ngành, chính quyền các cấp đã tập trung rà soát, đánh giá 5 nhóm thủ tục hành chính; công bố danh mục 557 thủ tục hành chính, thay thế 150 thủ tục hành chính và bãi bỏ 520 thủ tục hành chính.
Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Võ Tuấn Anh cho biết, năm qua, đơn vị cũng tham mưu giúp UBND thành phố ban hành 29 quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính. Trong đó, công bố 754 danh mục thủ tục hành chính, thay thế 150 thủ tục hành chính, bãi bỏ 717 thủ tục hành chính; thông qua phương án đơn giản hóa 177 thủ tục hành chính (trên tổng số rà soát 550 thủ tục hành chính), đạt tỷ lệ hơn 32%...
Tinh thần này cũng lan tỏa đến cơ sở. Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà thông tin, trong năm 2021, quận đã 10 lần tiến hành rà soát, công khai thủ tục hành chính. Đến nay, tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của quận là 271 thủ tục, số thủ tục rút ngắn thời gian đạt tỷ lệ 91,25%. UBND các phường thực hiện tối đa 165 thủ tục hành chính, tỷ lệ trung bình rút ngắn thời gian thực hiện đạt 92%. 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND quận và các phường được đưa ra thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận “một cửa”. 100% thủ tục hành chính được xây dựng quy trình giải quyết theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 và niêm yết công khai.
Trong khi đó, UBND quận Ba Đình đã cải cách hành chính gắn với việc thường xuyên thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát các quy định của pháp luật và quy định về thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của cấp quận, cấp phường để niêm yết công khai và thực hiện thống nhất trên địa bàn; đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao chỉ số cải cách hành chính cấp quận năm 2021 tăng 6 bậc so với năm 2020 (xếp thứ 12/30 quận, huyện, thị xã).
Quận cũng ban hành kế hoạch chấm điểm chỉ số cải cách hành chính cấp phường; triển khai áp dụng chỉ số đánh giá kết quả công tác cải cách hành chính đối với các phòng chuyên môn”, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Nguyễn Trung Dũng cho biết.
Chị Trần Thanh Hà (ở phường Quán Thánh, quận Ba Đình) phấn khởi chia sẻ, khi đi làm các thủ tục hành chính tại UBND phường Quán Thánh hoặc quận Ba Đình đều được công chức ở đây hướng dẫn tận tình. Các thủ tục đều được trả đúng hoặc trước hạn…
Tăng cường hệ thống “một cửa” điện tử
Bước sang năm 2022, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện mạnh mẽ cải cách hành chính; tăng cường kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Bên cạnh đó, nhằm xây dựng chính quyền điện tử, công tác số hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện hệ thống “một cửa” điện tử được thành phố quan tâm, chú trọng.
Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho biết, UBND thành phố giao các sở, ngành liên quan tập trung rà soát, tổng hợp kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực; chuẩn bị điều kiện thực hiện số hóa; rà soát, mở rộng hệ thống “một cửa” điện tử của thành phố, đáp ứng yêu cầu lưu trữ, tra cứu, khai thác kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực đã được số hóa và việc số hóa trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu thực hiện số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực đến năm 2022 đạt tối thiểu tương ứng 30%, 30% và 25% đối với kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố, cấp huyện và cấp xã. Giai đoạn 2023-2025, tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được giải quyết thành công mỗi năm tăng tối thiểu thêm 25% đối với mỗi cấp hành chính, bảo đảm đạt tỷ lệ 100% trước năm 2025.
Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội nhấn mạnh, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự của công an các đơn vị, địa phương; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho cá nhân, tổ chức, trong năm 2022 sẽ số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực từ bản giấy sang bản điện tử và cập nhật vào kho dữ liệu hồ sơ đạt tối thiểu 50% đối với kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của công an thành phố, 40% đối với công an cấp huyện và 35% đối với công an cấp xã. Việc thực hiện lộ trình số hóa có thể điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi đơn vị, địa phương; bảo đảm hoàn thành công tác số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính trước năm 2026.
Đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ở cơ sở, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) Nguyễn Việt Trung cho rằng, cần xây dựng vị trí việc làm để bố trí đủ số lượng công chức chuyên môn và quan tâm đến chế độ đãi ngộ cho người làm việc tại bộ phận “một cửa”. Cùng với đó là chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ và kỹ năng cho cán bộ, công chức đang công tác tại bộ phận tiếp nhận, trả kết quả hành chính...