Tái cấu trúc mạng lưới xe buýt để phục vụ tốt hơn
Giao thông - Ngày đăng : 06:58, 11/02/2022
Hiện thành phố Hồ Chí Minh có 128 tuyến xe buýt, gồm 91 tuyến trợ giá và 37 tuyến không trợ giá. Theo kế hoạch của Sở Giao thông - Vận tải thành phố, năm 2022, khối lượng vận tải hành khách công cộng dự kiến đạt 402 triệu lượt hành khách (trong trường hợp dịch Covid-19 được kiểm soát), gấp 2,5 lần so với năm 2021 (tổng khối lượng đạt gần 160 triệu lượt hành khách).
Tuy nhiên, con số này vẫn thấp so với nhu cầu đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng trong một thành phố hơn 10 triệu dân như thành phố Hồ Chí Minh. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông (Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), người từng tham gia xây dựng đề án phát triển hệ thống vận tải công cộng thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, người dân chưa hào hứng đi xe buýt thời gian qua do mạng lưới xe buýt tổ chức chưa thực sự khoa học, các tuyến bị trùng lặp, xe buýt bị chậm giờ, trễ chuyến. Về vấn đề này, chị Đỗ Minh Hằng (ở phường 17, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh) nhận xét: "Tôi hay đi xe buýt và thấy nhiều tuyến chạy cùng một lộ trình, dẫn tới hoạt động chưa hiệu quả. Mong rằng năm 2022, thành phố sẽ tổ chức lại các tuyến xe buýt một cách thuận tiện hơn cho người dân".
Nhận rõ những điểm yếu trong tổ chức vận tải hành khách bằng xe buýt, ngành Giao thông thành phố Hồ Chí Minh triển khai nhiều giải pháp, như tổ chức những làn đường ưu tiên hoặc đường dành riêng cho xe buýt để xe chạy đúng giờ. Để làm được điều này, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh) Đỗ Ngọc Hải cho hay, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là tập trung mở rộng, tái cấu trúc mạng lưới tuyến xe buýt nhằm hình thành mạng lưới tuyến buýt hoạt động có hiệu quả; bảo đảm kết nối đến các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông, các đô thị vệ tinh, các tuyến vận tải hành khách khối lượng lớn (như metro, xe buýt nhanh BRT), các phương thức vận tải khác. Đồng thời, tập trung nguồn lực phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; tiếp tục triển khai mở rộng vé điện tử bằng thẻ thông minh cho hệ thống giao thông công cộng.
Song song đó, ngành Giao thông thành phố sẽ tập trung đầu tư hệ thống giao thông tĩnh cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt như ở các bến xe buýt tại các huyện Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh; các quận: 8, Bình Thạnh... Mặt khác, tham mưu phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) để tăng cường hiệu quả, tích hợp phát triển giao thông công cộng vào quy hoạch sử dụng đất. Rà soát tổ chức khai thác hiệu quả các bến xe khách trên địa bàn thành phố như Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây...
Để đa dạng hóa loại hình vận tải hành khách công cộng, dự kiến trong quý I-2022, Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức thí điểm loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện có thể chở đến 70 khách/xe; tiếp tục đánh giá, nghiên cứu mở rộng loại hình xe đạp công cộng; phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải các tỉnh tổ chức khai thác các tuyến xe buýt liên tỉnh kết nối giao thông trong vùng như tuyến thành phố Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang...
Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Võ Khánh Hưng cho biết, năm 2022, ngành Giao thông thành phố sẽ tập trung hoàn thiện mạng lưới tuyến buýt. Theo đó, Sở Giao thông - Vận tải sẽ phối hợp với doanh nghiệp vận tải và đơn vị liên quan rà soát mạng lưới tuyến hiện hữu để điều chỉnh lộ trình, tăng giảm chuyến, thời gian phục vụ trên các tuyến buýt phù hợp tình hình thực tế; tăng tính kết nối, mở rộng khả năng phục vụ người dân. Về tổng thể, Sở Giao thông - Vận tải sẽ tham mưu trình UBND thành phố điều chỉnh danh mục mạng lưới tuyến xe buýt. Bên cạnh đó, tập trung duy tu và phát triển hạ tầng ngành buýt, ứng dụng công nghệ mới vào quản lý điều hành hoạt động ngành buýt; đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân đi xe buýt.