Thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực gia tăng lượng hàng xuất khẩu

Kinh tế - Ngày đăng : 06:56, 11/02/2022

(HNM) - Là đầu mối của cả Đông và Tây Nam Bộ, nhưng năm 2021, lượng hàng xuất khẩu của thành phố Hồ Chí Minh chỉ tăng 1% so với năm 2020. Bước sang năm 2022, thành phố triển khai nhiều giải pháp để nỗ lực gia tăng lượng hàng xuất khẩu, góp phần cùng cả nước phát triển nền kinh tế.

Xuất khẩu hàng hóa tại Cảng Cát Lái (thành phố Hồ Chí Minh).

Đối mặt nhiều khó khăn

Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh thông tin, trong năm 2021, do dịch Covid-19 tác động tiêu cực, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt 44,9 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2020. Hầu hết thị trường xuất khẩu chủ yếu của thành phố đều có kim ngạch giảm như: Trung Quốc giảm 8,7%, Hoa Kỳ giảm 2,3%, Nhật Bản giảm 14,7% và EU giảm 0,8%... Cùng với đó, các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp, có kim ngạch xuất khẩu lớn đều giảm so với cùng kỳ như: Sản phẩm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 5,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng giảm 2,2%; sản phẩm dệt may giảm 21,4%; sản phẩm giày dép giảm 24,8%...

Bước sang năm 2022, khó khăn về xuất khẩu được dự báo tiếp tục gia tăng. Đáng chú ý là giá nguyên phụ liệu sản xuất tăng 15-40% so với thời điểm trước dịch Covid-19; phí dịch vụ logistics cũng tăng cao. Đặc biệt, cước vận chuyển hàng hóa bằng đường biển đã tăng gấp 5-6 lần, thậm chí 10 lần. Cùng với đó, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Lê Huỳnh Minh Tú, nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm của thành phố đang có xu hướng tăng cường áp dụng biện pháp phòng, chống dịch hoặc yêu cầu cao hơn về chất lượng, tiêu chuẩn hàng nhập khẩu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Nói rõ hơn về vấn đề này, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh Lý Kim Chi giải thích, trước đây, để xuất hàng đi Mỹ, chi phí thuê container, vận chuyển dưới 2.000 USD/container. Nay giá cước tăng cao, có thời điểm doanh nghiệp phải trả 10.000-15.000 USD/container. Trước đây, khi xuất hàng đi Mỹ, doanh nghiệp chỉ cần đặt chỗ tàu trước 2 ngày và thời gian vận chuyển mất 3-4 tuần; nay, hàng hóa phải mất 3 tháng mới đến Mỹ.

Về thị trường xuất khẩu truyền thống yêu cầu khắt khe hơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) Nguyễn Chánh Phương nêu ví dụ: Trước đây, thị trường châu Âu chỉ đòi hỏi gỗ có nguồn gốc hợp pháp và các tiêu chuẩn về lao động. Nay thị trường này yêu cầu tiêu chuẩn về môi trường, tính bền vững và các vấn đề về quản lý môi trường trong nhà máy, bao bì sản phẩm… “Có khách mua muốn ký hợp đồng, nhưng chúng tôi không dám ký, vì làm theo tiêu chuẩn mới sẽ không có lợi nhuận hoặc không đáp ứng được thời gian giao hàng”, ông Nguyễn Chánh Phương chia sẻ.

Triển khai chiến lược xuất khẩu mới

Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh nhận định, thời gian qua, 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của thành phố là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng dệt may, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác chiếm 76,4% kim ngạch xuất khẩu...; còn các thị trường xuất khẩu chính là: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Philippines, Thái Lan, Đức chiếm tới 73,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Điều này cho thấy, xuất khẩu của thành phố Hồ Chí Minh vẫn dựa chủ yếu vào thị trường Đông Bắc Á và một số thị trường lớn, chưa đa dạng.

“Để khắc phục hạn chế, thành phố đã xây dựng, triển khai đề án định hướng phát triển xuất khẩu đến năm 2030 với tư duy mới. Mục tiêu, giai đoạn 2021-2025 xuất khẩu hàng hóa tăng bình quân 11%, xuất khẩu dịch vụ tăng 15%; giai đoạn 2026-2030, xuất khẩu hàng hóa tăng bình quân 10%/năm và xuất khẩu dịch vụ tăng 15%”, Phó Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Khắc Hiếu thông tin.

Cụ thể, đề án đưa ra 5 quan điểm chiến lược mới về xuất khẩu trong thời gian tới, gồm: Lấy chất lượng của tăng trưởng làm nền tảng, đặc biệt chú tâm phát triển sản phẩm phần mềm và kỹ thuật số. Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết các tỉnh, thành phố Đông, Tây Nam Bộ để phát triển xuất khẩu theo hình dạng chuỗi. Hỗ trợ để phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh một số sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm chủ lực có kim ngạch, tốc độ tăng trưởng cao, tạo nhiều việc làm và ngân sách lớn. Nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại theo hướng tập trung vào những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh gắn với thị trường mà Việt Nam có ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA). Hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu theo phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới.

Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương nhấn mạnh, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp và quan điểm mới về gia tăng xuất khẩu nêu trên, thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu kim ngạch xuất khẩu của thành phố đến năm 2025 ước đạt 70 tỷ USD và đến năm 2030 đạt 108 tỷ USD.

Tuệ An