Chung sức xây dựng nông thôn mới
Kinh tế - Ngày đăng : 07:09, 11/02/2022
Nhiều mô hình hiệu quả rõ nét
Góp phần cùng địa phương thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2021, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Phúc Thọ đã phát triển và duy trì 634 đoạn đường phụ nữ tự quản, 125 đoạn đường nở hoa; duy trì và xây mới 50 điểm sinh hoạt cộng đồng xanh - sạch - đẹp; xây dựng 69 mô hình sạch đồng ruộng… Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Phúc Thọ Lê Thị Thư cho biết: Kết quả đạt được từ phong trào bảo vệ môi trường do các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ triển khai đã góp phần đưa Phúc Thọ hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới năm 2020.
Trong khi đó, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ứng Hòa đã đăng ký với Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới triển khai các chương trình hành động: Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo, tăng giàu; duy trì đoạn đường phụ nữ tự quản, xây dựng các tuyến đường nở hoa, các điểm sinh hoạt cộng đồng xanh - sạch - đẹp và thân thiện với môi trường…
Đóng góp vào phong trào, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cho biết: Năm qua, Hội Nông dân huyện vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được thêm 73ha, trong đó khai thác diện tích bãi sông Hồng được 22ha để trồng rau hữu cơ ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt; hình thành thêm 2 mô hình nho hạ đen kết hợp với du lịch trải nghiệm tại xã Đan Phượng, Phương Đình và triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Liên Trung cho hiệu quả kinh tế cao.
Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội nhận định: Phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thủ đô đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các hội, đoàn thể. Có thể nêu một vài ví dụ như Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã tổ chức tọa đàm: “Vai trò của Hội Nông dân tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu năm 2021”; Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố tổ chức tọa đàm “Giải pháp phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao”; Thành đoàn Hà Nội đã thành lập các đội hình thanh niên tình nguyện xây dựng nông thôn mới và chuyển giao khoa học kỹ thuật tại các huyện, thị xã...
Thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới
Những hoạt động cụ thể của các hội, đoàn thể đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại nhiều địa phương. Đến hết năm 2021, Hà Nội đã có 12/18 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (trong 6 huyện còn lại chưa đạt chuẩn có 4 huyện đã và đang được Trung ương xem xét công nhận). Hà Nội cũng đã có 382/382 xã xây dựng nông thôn mới đạt chuẩn, 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: Năm 2022, thành phố phấn đấu có thêm 2 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Để đạt mục tiêu trên, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, các hội, đoàn thể cũng đã có những kế hoạch, giải pháp cụ thể, phù hợp đóng góp vào mục tiêu của chương trình.
Góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa cho biết, năm 2022, Hội Nông dân thành phố sẽ đẩy mạnh triển khai phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; thực hiện các chương trình, đề án về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Hội Nông dân thành phố sẽ làm tốt công tác tuyên truyền để cán bộ, hội viên nông dân nhận thức rõ vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới; từ đó có những việc làm thiết thực, hiệu quả xây dựng và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Thời gian tới, Hội Cựu chiến binh thành phố cũng vận động cán bộ, hội viên gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Thành đoàn Hà Nội triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ thanh niên tham gia phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sạch, xanh, bền vững; tích cực tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); đồng thời triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề, dòng sông quê hương; duy trì các đội hình thanh niên tình nguyện tham gia tái cơ cấu nông nghiệp và chuyển giao khoa học, kỹ thuật mới cho người dân nông thôn.
Có thể nói, với sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các hội, đoàn thể, Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội hứa hẹn tiếp tục đạt được nhiều kết quả khả quan trong năm 2022 và các năm tiếp theo.