Ứng xử đúng tầm với bảo vật

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:13, 12/02/2022

(HNM) - Bảo vật quốc gia là vô giá, di sản độc bản, hàm chứa giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu của dân tộc. Thế nhưng, có một sự thật là cùng với niềm vui được công nhận bảo vật quốc gia là nỗi lo về việc bảo tồn, phát huy giá trị của các bảo vật ấy…

Hà Nội hiện có 20 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia. Bên cạnh một số ít bảo vật quốc gia đã phát huy được giá trị trong cộng đồng, thì việc bảo tồn những di sản quý giá này ở Thủ đô đang có những bất cập cần giải quyết. Trong đó, nổi lên là khi các hiện vật, nhóm hiện vật trở thành bảo vật quốc gia đã đặt ra nhiều vấn đề mới, nhưng thực tế các cơ quan chức năng, địa phương lại chưa đáp ứng ngay được yêu cầu bảo tồn và gìn giữ bảo vật.

Đáng nói, việc bảo tồn, phát huy giá trị bảo vật không khác biệt so với trước khi được công nhận; phụ thuộc vào điều kiện địa phương nơi có bảo vật quốc gia… Từ đó, nảy sinh nhiều vấn đề như nỗi lo bảo vệ bảo vật; chưa có kế hoạch phát huy giá trị bảo vật… Đáng lưu tâm, chất liệu của hầu hết các bảo vật quốc gia là gốm, đồng, đá, gỗ... nhưng việc bảo quản chưa tính hết tác động môi trường nên dẫn đến nguy cơ xuống cấp…

Để bảo vật quốc gia “sống” trong cộng đồng, gần gũi hơn với đời sống tinh thần của nhân dân, phải có giải pháp để người dân hiểu biết, tự hào về những di sản độc đáo và giá trị này. Theo đó, cùng với hình thành ý thức bảo vệ hiện vật cho người dân, cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu bảo vật gắn với du lịch. Làm sao để bảo vật nổi bật, được chú ý nhiều hơn bằng các hình thức trưng bày, giới thiệu dễ đi vào lòng công chúng. Cùng với đó là xuất bản các ấn phẩm như sách, lập trang web… để chuyển tải thông tin, hình ảnh liên quan đến bảo vật quốc gia. Đặc biệt, cần sớm nghiên cứu, thực hiện số hóa các bảo vật quốc gia để vừa tạo thuận lợi cho quản lý, vừa giúp công chúng dễ tiếp cận.

Một vấn đề nữa cần được ngành Văn hóa và các địa phương quan tâm là phải xây dựng chương trình, kế hoạch; qua đó, có chính sách, chế độ quản lý, bảo quản đặc biệt và phát huy được các giá trị đặc sắc của bảo vật quốc gia. Đối với công tác bảo tồn, bảo vệ bảo vật quốc gia, cần lập phương án bảo vệ, bảo đảm tuyệt đối an toàn, phòng chống cháy nổ; có cơ chế phối hợp liên ngành giữa cơ quan quản lý văn hóa, lực lượng công an và chính quyền sở tại (nơi có di tích đang được lưu giữ bảo vật quốc gia) trong việc bảo vệ, bảo quản bảo vật quốc gia; đặc biệt không nên giao khoán cho cá nhân trực tiếp trông coi di tích.

Về chuyên môn bảo quản, với mỗi loại chất liệu bảo vật, ngành Văn hóa cần phối hợp với các địa phương chỉ đạo các cơ quan thực hiện việc bảo quản đặc biệt, có báo cáo định kỳ về tình trạng kỹ thuật bảo vật quốc gia. Việc bảo quản bảo vật cũng phải được lập thành phương án cụ thể trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ quy trình, nguyên tắc, kỹ thuật bảo quản. Đồng thời, ưu tiên đầu tư kinh phí cho việc cải tạo, nâng cấp công trình và hạ tầng kỹ thuật kho bảo quản, khu vực trưng bày của bảo tàng và khu vực thuộc di tích.

Các bảo vật quốc gia ở Hà Nội mang trong mình dấu ấn văn hóa, giá trị thẩm mỹ của từng thời kỳ trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội. Việc bảo quản, lưu giữ, phát huy giá trị các bảo vật này là trách nhiệm không chỉ của các cơ quan chức năng, mà còn có trách nhiệm của toàn xã hội, do đó rất cần một thái độ ứng xử với bảo vật đúng tầm và phù hợp...

Chí Kiên