Ngăn chặn lợi dụng để... ''thổi'' giá

Bất động sản - Ngày đăng : 07:47, 12/02/2022

(HNM) - Tiếp sau một tập đoàn lớn, mới đây, lại thêm một đơn vị khác thông báo bỏ cọc sau khi trúng đấu giá khu đất tại Thủ Thiêm (thành phố Hồ Chí Minh). Sự việc trên đã khiến dư luận quan tâm và cho thấy vấn đề cần thiết phải sửa đổi các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản.

Báo cáo về vấn đề này, Bộ Xây dựng nhận định, hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất, rồi bỏ tiền đặt cọc, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường, thu lợi bất chính đang diễn ra khá phổ biến. Như tại Thủ Thiêm, sau khi có thông tin kết quả trúng đấu giá 4 lô đất, giá rao bán đất nền, nhà ở khu vực này đã đồng loạt tăng. Ngoài ra, quá trình tổ chức đấu giá đất ở một số nơi có hiện tượng thông đồng, dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá... Điều này gây nhiều hệ lụy cho phát triển kinh tế - xã hội, giảm sức hút đầu tư trong khi người có nhu cầu thật sự lại không tiếp cận được.

Để chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất tại các địa phương, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về đấu giá đất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đấu giá, trục lợi trong đấu giá đất; chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước rà soát các tổ chức tín dụng cho các nhà đầu tư vay tiền đấu giá đất.

Vấn đề quan trọng hơn là các quy định về đấu giá đất phải bảo đảm thống nhất về hình thức, trình tự, thủ tục; trong đó, quy định về số tiền đặt cọc không quá thấp và nhà đầu tư phải có năng lực tài chính; chất lượng dự án của nhà đầu tư phải được đánh giá và coi là thước đo năng lực…, nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng đấu giá để thổi giá đất.

Phương Nhi