Mở lối phát triển chợ văn minh

Kinh tế - Ngày đăng : 07:07, 13/02/2022

(HNM) - Hạ tầng xuống cấp, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, khó khăn trong thu hút đầu tư... là thực trạng đang diễn ra tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội. Để mở lối phát triển hệ thống chợ văn minh, hiện đại đòi hỏi các giải pháp đồng bộ, từ xây dựng cơ chế, chính sách nhằm hấp dẫn nhà đầu tư đến kêu gọi sự hợp tác, đồng thuận của tiểu thương.

Chợ đầu mối Long Biên (quận Ba Đình) được xây dựng lại khang trang, thuận tiện cho người dân kinh doanh và mua bán. Ảnh: Quốc Tuấn

Tiềm ẩn nhiều mối lo

Trước đây, chợ đầu mối Long Biên (quận Ba Đình) rất lộn xộn, mất mỹ quan, thì giờ đây các ki ốt đã được xây dựng lại khang trang, sắp xếp quy củ, trật tự. Hệ thống chiếu sáng, đường điện, biển hướng dẫn được bố trí khoa học, ngăn nắp. Đặc biệt, hệ thống phòng cháy, chữa cháy được đầu tư hiện đại. Đội phòng cháy, chữa cháy tại chỗ được hình thành, trang bị đầy đủ phương tiện, tập huấn thường xuyên, luôn sẵn sàng cho mọi tình huống.

Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số ít chợ đã được đầu tư cải tạo và hoạt động hiệu quả. Còn lại hầu hết các chợ trên địa bàn thành phố, nhất là ở khu vực ngoại thành đang xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường... Điển hình như chợ Cổ Điển (xã Hải Bối, huyện Đông Anh) được xây dựng từ hơn 10 năm nay đã xuống cấp trầm trọng: Hệ thống phòng cháy, chữa cháy không được quan tâm; nền chợ bong tróc, lại thấp hơn mặt đường nên khi trời mưa nước đọng lâu, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, các chợ như: Thành Công, Châu Long (quận Ba Đình), Xuân La (quận Tây Hồ)… dù đã xuống cấp, nhưng việc xây dựng lại theo hình thức xã hội hóa không nhận được sự đồng thuận của tiểu thương. Bà Nguyễn Thu Hà, kinh doanh tại chợ Thành Công cho biết: “Các tiểu thương đều mong muốn chợ khang trang hơn, nhưng cũng băn khoăn việc kinh doanh gặp khó khăn nếu chợ được xây dựng thành trung tâm thương mại”.

Trong khi đó, một số chợ đã được xây mới, cải tạo như chợ Bưởi (quận Tây Hồ) không còn sầm uất như trước, nhiều ki ốt bỏ trống. Tại quận Hoàng Mai, chợ dân sinh Thanh Trì có tổng mức đầu tư hơn 8 tỷ đồng, nhưng sau khi hoàn thành cũng không thu hút được các hộ kinh doanh do vị trí không thuận lợi. Đây cũng là thực trạng của không ít dự án sau khi được xây mới, như: Chợ Nghệ, chợ Mơ, chợ Hàng Da, chợ Cầu Bươu... Điều đáng nói, đến nay vẫn còn một số địa phương chưa có chợ hoặc số lượng chợ chưa đủ để phục vụ nhu cầu của người dân, dẫn đến phát sinh chợ cóc, chợ tạm, khó kiểm soát hoạt động kinh doanh, chất lượng hàng hóa.

Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tích cực kêu gọi xã hội hóa việc cải tạo, xây dựng chợ nhưng chưa thu hút được doanh nghiệp do hiệu quả kinh tế thấp. Đại diện một số quận, huyện, thị xã thông tin, việc đầu tư xây dựng các chợ, nhất là tại nông thôn, gặp khó khăn về nguồn vốn. Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trước tình hình này, thành phố Hà Nội đã kiến nghị Bộ Tài chính có cơ chế hỗ trợ về miễn, giảm tiền thuê đất, ưu đãi lãi suất cho vay… đối với nhà đầu tư xây dựng, khai thác chợ; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã thu tiền thuê điểm kinh doanh tại chợ tương đương với mức thu áp dụng khi chợ do nhà nước quản lý để bảo đảm an sinh, trật tự xã hội. Bộ Công Thương cũng cần có quy định rõ hơn về quyền lợi, trách nhiệm của hộ kinh doanh, cũng như cách xử lý đối với hộ kinh doanh đã ký hợp đồng và đóng trước tiền thuê điểm kinh doanh để xây dựng chợ.

Về việc nâng cấp, cải tạo các chợ trên địa bàn, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, tháng 10-2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025. Theo đó, thành phố phấn đấu 100% các chợ được xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy, văn minh thương mại. Có 141 chợ được xây dựng mới; 169 chợ được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp... Hiện, Sở Công Thương đang phối hợp, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện. Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố tiếp tục thu hút nguồn vốn xã hội hóa; tập trung tháo gỡ khó khăn đối với chợ đã chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh để nâng cao hiệu quả.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, để thu hút các nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh chợ, cần phải làm rõ quy hoạch, mục tiêu sử dụng và công năng của chợ, công khai, minh bạch các dự án phát triển chợ để nhà đầu tư xem xét, lựa chọn. Và để thu hút đầu tư, Nhà nước nên đứng ra giải phóng mặt bằng. Trước mắt, các tiểu thương cần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng văn minh thương mại.

Trong năm 2021, ngành Công Thương Hà Nội đã phối hợp với các chủ đầu tư hoàn thành xây dựng 2 trung tâm thương mại, phát triển thêm 3 siêu thị, 100 cửa hàng tiện lợi, 2 chợ; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư chợ đầu mối nông sản tại huyện Mê Linh, chợ đầu mối hàng nông nghiệp nông thôn huyện Quốc Oai, chợ Bích Hòa ở huyện Thanh Oai; chợ trung tâm thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì)...

Thanh Hiền