Thành phố Hồ Chí Minh: Tăng cường thu hút FDI vào công nghệ cao
Kinh tế - Ngày đăng : 20:33, 30/01/2023
Dẫn đầu cả nước về FDI
Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, tính chung từ khi áp dụng Luật Đầu tư nước ngoài (năm 1988) đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút được 79 tỷ USD vốn FDI từ 116 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tính riêng năm 2022, thành phố thu hút 3,94 tỷ USD vốn FDI, cao nhất cả nước.
Đáng chú ý, trong năm 2022, nguồn vốn FDI đổ vào lĩnh vực sản xuất thâm dụng lao động giảm tới 9,7% so với năm 2021. Riêng 3 tháng cuối năm 2022, có tới 47,9 triệu USD vốn FDI của 38 dự án đổ vào thành phố Hồ Chí Minh, đầu tư cho khoa học và công nghệ.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai, các dự án FDI là một trong những động lực chủ chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2022, nguồn vốn này chiếm 13,02% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đóng góp 78.000 tỷ đồng cho ngân sách, giải quyết trên 568.000 việc làm, đóng góp 61% giá trị xuất khẩu của thành phố.
Nói về việc tăng cường đầu tư vào thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Bắc Âu tại Việt Nam cho biết rất nhiều công ty Bắc Âu đang quan tâm đầu tư vào khu vực phía Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng với các dự án xanh, do gặp nhiều thuận lợi.
Còn Giám đốc Điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) tại Việt Nam Mary Tarnowka nhận định, thành phố Hồ Chí Minh có tiềm năng rất lớn về kinh tế số. “Các doanh nghiệp thuộc AmCham Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao việc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố và các tỉnh phía Nam trong thời gian qua, nhằm thu hút đầu tư công nghệ cao”, bà Mary Tarnowda cho biết.
Thu hút đầu tư công nghệ cao
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2023 và những năm tiếp theo, thành phố định hướng chuyển dịch cơ cấu thu hút đầu tư vốn FDI theo hướng chọn lọc, bền vững, chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu; sử dụng ít tài nguyên, năng lượng; áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường.
Cụ thể, thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên thu hút các tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, có sử dụng công nghệ cao, có thể mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển; thu hút các nhà đầu tư mạnh về tài chính, có công nghệ mới với hàm lượng chất xám cao; thu hút các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học công nghệ cao; không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.
“Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị hơn 300 ha đất dành cho khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao với cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp, thu hút đầu tư vào ngành kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; ngành công nghệ thông tin; các ngành công nghiệp theo hướng tự động hóa, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…”, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai thông tin.
Nói về vấn đề này, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham) tại Việt Nam Mary Tarnowka khẳng định: “Chúng tôi tin rằng thành phố Hồ Chí Minh có thể tiếp tục thu hút và tăng trưởng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giá trị cao, đồng thời phát triển nền kinh tế dịch vụ, đặc biệt là nền kinh tế số, dịch vụ tài chính và chăm sóc sức khỏe. Việc bảo đảm một môi trường pháp lý tích cực sẽ thu hút đầu tư mới và tăng trưởng đầu tư hiện có ở đây”.
Về định hướng thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2023 và các năm tiếp theo, UBND thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung thu hút đầu tư tại các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia có thể mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, các dự án công nghệ cao của các tập đoàn lớn đang có xu hướng dịch chuyển về các nước Đông Nam Á.
Đáng chú ý, trong năm 2023, thành phố Hồ Chí Minh dự kiến ban hành Bộ tiêu chí thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và có kế hoạch, lộ trình, chính sách cho việc chuyển đổi công nghệ trong phát triển công nghiệp. Thành phố cũng đang tập trung vào một số vấn đề chủ đạo nhìn từ phạm vi quy hoạch rộng lớn hơn, đó là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Đông Nam Bộ. Xây dựng, phát triển thành trung tâm kinh tế sáng tạo, trung tâm tài chính quốc tế…
“Thành phố Hồ Chí Minh luôn coi trọng và cam kết đồng hành, hỗ trợ hết mình đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Thành phố sẽ tiếp tục lắng nghe, tìm kiếm các giải pháp và không ngừng cải thiện môi trường đầu tư ngày càng hấp dẫn hơn, bền vững hơn để các nhà đầu tư an tâm rót vốn, nhân lực và cả công nghệ, kinh nghiệm…”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh.