Trẻ từ 5-11 tuổi có nhất thiết phải tiêm vắc xin phòng Covid-19?
Sức khỏe - Ngày đăng : 18:08, 15/02/2022
Tiềm ẩn biến chứng khi trẻ mắc Covid-19
Đề cập tình trạng mắc Covid-19 ở trẻ, Tiến sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, hiện nay, số ca nhiễm Covid-19 ở người lớn đang tăng rất nhanh kéo theo đó, tỷ lệ mắc ở trẻ cũng tăng. Mặc dù số ca diễn biến nặng ở trẻ không cao như người lớn nhưng với trường hợp nặng, trẻ vẫn diễn tiến nguy kịch và tử vong. Như vậy, với số lượng trẻ nhiễm lớn thì số ca nặng và tử vong không nhỏ.
Tại Bệnh viện Nhi trung ương, hiện mỗi ngày có vài chục trẻ mắc Covid-19 đến tư vấn, trong đó có một tỷ lệ nhỏ trong số này cần điều trị tại bệnh viện.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Thành Lê, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương), trong số 30 bệnh nhi mắc Covid-19 đang điều trị tại cơ sở 2 của bệnh viện, có 4 ca diễn biến nặng phải thở ô xy. Trong đó, có hai trường hợp có bệnh nền (ung thư máu), hai ca còn lại 12-13 tuổi ở Hà Nội, tiền sử khỏe mạnh nhưng vào viện đã suy hô hấp.
Trước đó, các trường hợp diễn biến nặng lên chủ yếu là các trẻ mắc bệnh lý nền nặng, như: Thận mạn tính, ung thư, béo phì... Bác sĩ Nguyễn Thành Lê cho biết, cứ 100 bệnh nhi mắc Covid-19, thì có 2 trường hợp tiền sử bình thường nhưng vẫn suy hô hấp, phải thở ô xy.
Tiến sĩ Phạm Quang Thái cũng cho rằng, những bằng chứng gần đây cho thấy, tỷ lệ biến chứng nặng Covid-19 ở trẻ em không ở mức cao nhưng vẫn có nguy cơ tiềm ẩn. Tỷ lệ biến chứng nặng vẫn ở mức độ hết sức lo ngại, đặc biệt tình trạng viêm đa phủ tạng được ghi nhận trong thời gian qua khiến việc điều trị rất khó khăn.
“Tổn thương kéo dài liên quan đến sức khỏe của trẻ sau này là gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội. Dù tỷ lệ này không cao so với người lớn cùng mắc Covid-19 nhưng so với các bệnh khác vẫn cao. Để giải quyết, chúng ta cần sử dụng vắc xin”, Tiến sĩ Phạm Quang Thái nhấn mạnh.
Đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã điều chỉnh lại chiến lược và khuyến cáo. Cụ thể, gần đây, trong các cuộc họp của các nhóm chuyên gia có khẳng định, việc tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là cần thiết. Mặc dù những biến chứng liên quan đến Covid-19 ở nhóm trẻ này không nhiều như nhóm trẻ lớn hoặc người lớn nhưng ảnh hưởng lâu dài của Covid-19 lên nhóm tuổi từ 5-11 đã được khẳng định. Vì vậy, trẻ cần được tiêm để tránh ảnh hưởng lâu dài cũng như các nguy cơ, biến chứng.
Tiêm vắc xin để hạn chế tái nhiễm và hậu Covid-19
Đến nay, có 44 quốc gia đã triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Vậy, tác dụng phụ của vắc xin lên nhóm tuổi này thế nào? Trên thế giới đã ghi nhận trường hợp trẻ 5-11 tuổi bị phản vệ nghiêm trọng, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng sau khi tiêm vắc xin Covid-19 chưa?
Trả lời cho câu hỏi này, Tiến sĩ Phạm Quang Thái cho biết, vắc xin cho trẻ em dùng công nghệ mới, tốt hơn vắc xin cho nhóm người lớn, do đó, nguy cơ gây viêm cơ tim ở trẻ từ 5-11 tuổi thấp hơn ở trẻ lớn và người lớn. Tỷ lệ viêm cơ tim này gần như không thấy ở các quốc gia khi triển khai tiêm cho trẻ 5-11 tuổi. Thế nhưng, những phản ứng khác sau khi tiêm như: Sốt, sưng đau tại chỗ, quấy khóc ở nhóm trẻ này cũng có và thấp hơn ở trẻ lớn, người lớn. Những phản ứng này không thể tránh được vì đây là phản ứng rất bình thường của cơ thể.
Vắc xin phòng Covid-19 của Pfizer đóng liều 30 microgram cho người lớn và trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi. Khi tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi, liều vắc xin còn 10 microgram. Trẻ nhỏ cũng tiêm hai liều giống người lớn. Theo Tiến sĩ Phạm Quang Thái, với liều tiêm chỉ bằng 1/3 người lớn, trẻ sẽ không có các phản ứng phụ bất lợi nên đây được đánh giá là mũi tiêm an toàn.
Theo ý kiến của nhiều phụ huynh, trẻ từng mắc Covid-19 tức là đã có miễn dịch tự nhiên nên không cần tiêm vắc xin. Về vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Quang Thái đưa ra khuyến cáo, điều lạ ở vi rút SARS-CoV-2 khi tấn công vào cơ thể lần đầu tiên, thì để lại miễn dịch không cao. Đây là cơ sở cho nguy cơ tái nhiễm. Vì vậy, nên tiêm vắc xin ngay sau khi nhiễm bệnh thì miễn dịch sẽ nhiều hơn, góp phần hạn chế nguy cơ tái nhiễm, thậm chí hạn chế cả những hội chứng hậu Covid-19 và tình trạng Covid-19 kéo dài. Bởi vì thực tế cho thấy, có những trẻ vài tháng sau khi khỏi bệnh mới gặp hội chứng hậu Covid-19 vì vi rút gây tổn thương đa cơ quan, vật liệu di truyền vi rút để lại trong cơ thể gây phản ứng ở đa tạng. Do đó, kể cả khi trẻ đã khỏi bệnh thì vẫn nên tiêm vắc xin.
“Thế giới và Việt Nam đã ghi nhận các trường hợp tái nhiễm với các chủng vi rút SARS-CoV-2 khác nhau. Ở chủng Delta, tỷ lệ tái nhiễm là 1% và chủng Omicron thì số ca tái nhiễm cao hơn. Trong đó đều là thể nhẹ vì bệnh nhân đã có miễn dịch từ lần nhiễm trước. Tuy nhiên, thực tế vẫn có trường hợp biểu hiện nặng như suy đa phủ tạng ở lần nhiễm sau. Cơ địa từng người cho thấy cần phải tiêm vắc xin, dù đã nhiễm bệnh, để tránh nguy cơ tái nhiễm”, Tiến sĩ Phạm Quang Thái nhấn mạnh.
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.