Xử lý khách quan, thận trọng các hiện tượng ''bất thường'' liên quan đến mua bán đất đai
Chính trị - Ngày đăng : 12:10, 15/02/2022
Cử tri kiến nghị giải quyết khó khăn do giá xăng tăng cao
Trình bày báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tinh thần chủ động vào cuộc “từ sớm, từ xa”, tổ chức thành công kỳ họp bất thường lần thứ nhất. Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã khẩn trương, kịp thời ban hành Nghị quyết về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Việc ban hành Nghị quyết này được đánh giá là phù hợp với bối cảnh hiện nay của Việt Nam và cả quốc tế, là quyết sách chiến lược quan trọng, toàn diện cụ thể hóa chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội.
Ngoài các nội dung kiến nghị, phản ánh chung về kinh tế - xã hội, cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm về: Số ca nhiễm Covid-19 tăng cao sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán; chủ trương cho học sinh đi học trực tiếp tại trường; việc mua vắc xin phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tình trạng khan hiếm xăng, giá xăng tăng cao gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân; về việc nhiều đối tượng sử dụng tài khoản Facebook, Zalo ảo rao bán các loại bằng cấp, giấy tờ, tài liệu giả... Các đại biểu cũng rất quan tâm và đề nghị xử lý nghiêm minh sai phạm của một số cán bộ, công chức Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) trong quá trình xét duyệt cấp phép thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân.
Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, chỉ đạo thực hiện một số giải pháp khắc phục các nội dung nêu trên.
Lập danh mục những vụ việc phức tạp kéo dài
Cho ý kiến về công tác dân nguyện, Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu thực trạng các biện pháp phòng, chống dịch, hướng dẫn điều trị F0 tại nhà, cụ thể là tình trạng chính quyền địa phương chỉ khoanh, dán biển cách ly, không có thuốc cho người bệnh. Bên cạnh đó, Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề cập một số hạn chế như: Chế độ bồi dưỡng cho lực lượng y tế cơ sở; quá tải của hệ thống y tế cơ sở; một bộ phận người dân chủ quan với dịch Covid-19 khi cho rằng bây giờ dịch cũng như bệnh cúm mùa thông thường.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, ngoài vụ bỏ cọc mua đất Thủ Thiêm ở thành phố Hồ Chí Minh, nhiều hiện tượng “bất thường” nổi lên gần đây liên quan đến mua bán đất đai. Cụ thể như giá ký hợp đồng khác giá bán thực tế; ký hợp đồng không chặt chẽ nên giá đất lên cao thì người bán không muốn bán nữa; có loại mua bán đất nhưng không tạo dòng tiền, chuyển nhượng như biện pháp kỹ thuật tạo doanh thu ảo...
“Đây cũng là những hoạt động không bình thường. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng khi tiếp nhận xử lý cần khách quan, tỉnh táo, cẩn trọng. Việc này không phải việc nhỏ nên cơ quan của Quốc hội cũng cần giám sát để bảo đảm xử lý cho đúng”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Dẫn thông tin báo chí phản ánh về vụ “bắt vợ” dịp Tết vừa qua, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần quan tâm, tuyên truyền giáo dục, thuyết phục; nâng cao trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước, của địa phương trên tinh thần bất cứ việc gì xảy ra mà tác động đến xã hội thì phải chủ động vào cuộc sớm, bởi ngoài công tác dân nguyện còn có công tác giám sát.
Nhằm nâng cao chất lượng công tác dân nguyện để đáp ứng yêu cầu của cử tri hơn nữa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiến nghị Ban Dân nguyện phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an cùng cơ quan liên quan lập danh mục hồ sơ đề xuất những vụ việc phức tạp kéo dài để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội theo dõi, đôn đốc giải quyết dứt điểm.
“Cứ để lâu thế này không thể giải quyết được. Cần lập danh sách để tránh “đánh trống bỏ dùi”, nêu nhiều mà giải quyết ít, trách nhiệm chung chung mà không cá thể hóa được. Khi ra Quốc hội chất vấn cũng phải xem xét, báo cáo cụ thể thực hiện thế nào”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với nội dung báo cáo công tác dân nguyện tháng 1-2022 đã tổng hợp tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị về những vấn đề nổi cộm được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Văn phòng Chính phủ căn cứ báo cáo công tác dân nguyện, kịp thời đề nghị đối với những bộ, ngành có liên quan nghiên cứu triển khai thực hiện các kiến nghị nêu trong báo cáo dân nguyện tháng 1-2022 và đôn đốc các cơ quan có văn bản trả lời giải quyết kiến nghị cử tri cho Ban Dân nguyện để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 3-2022.