Việt Nam sẽ trở thành nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới vào năm 2050
Nông nghiệp - Ngày đăng : 16:36, 17/02/2022
Ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông, lâm, thủy sản đạt bình quân từ 2,5-3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm, thủy sản đạt bình quân từ 5,5-6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu; tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt bình quân từ 5-6%/năm...
Đến năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường.
Theo đó, các chính sách về sử dụng đất đai cần được sửa đổi linh hoạt, phát triển thị trường giao dịch; hạ tầng sẽ được đầu tư cơ bản cho vùng sâu, vùng xa, điển hình như việc phát triển hạ tầng thủy lợi (bảo đảm đa mục tiêu cho thủy sản và lâm nghiệp), hạ tầng thương mại (xây dựng hệ thống chợ, trung tâm đầu mối), hạ tầng logistics (cầu cảng, trung tâm kết nối vùng, giao thông kết nối vùng chuyên canh...)...
Phát biểu tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, thời gian tới, Việt Nam hướng tới nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người.
Theo đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục cơ cấu lại theo 3 trục sản phẩm là quốc gia, cấp tỉnh và địa phương và theo lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; tăng cường chế biến, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới tổ chức thể chế của hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hiệp hội, hội.
Ngành Nông nghiệp sẽ chuyển mạnh từ xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng; bảo đảm đầu ra cho nông sản, đổi mới hệ thống phân phối nông sản tại thị trường trong nước; kết nối hệ thống chế biến, phân phối, bán lẻ hiện đại, truyền thống với chuỗi cung ứng nông sản gắn với vùng chuyên canh; hình thành hệ thống chợ đầu mối gắn với chuỗi logistics ở các vùng trọng điểm sản xuất nông sản.
Về thị trường xuất khẩu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, ngành cần chủ động phát huy cơ hội các hiệp định thương mại tự do, giữ ổn định thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới, tránh lệ thuộc vào một vài thị trường; tận dụng tối đa nguồn lực hiện hữu, từng bước xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững, sức cạnh tranh cao.
Mục tiêu của Chiến lược này hướng đến nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế nông dân và dân cư nông thôn; phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp...