Đáp ứng yêu cầu phát triển

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:09, 18/02/2022

(HNM) - Thời gian qua, thành phố Hà Nội luôn chú trọng xây dựng chính quyền điện tử và đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ dẫn đầu cả nước, xếp thứ hạng cao trong khu vực về lĩnh vực này. Triển khai thực hiện nhiệm vụ trên, Hà Nội đã và đang đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu phát triển chính quyền điện tử. Đồng thời xây dựng và vận hành cổng dịch vụ công, hệ thống “một cửa” dùng chung 3 cấp giúp người dân, tổ chức và doanh nghiệp tiếp cận, giải quyết thủ tục hành chính thuận tiện, tiết kiệm; đồng thời giúp cơ quan quản lý điều hành, kiểm soát thủ tục hành chính tốt hơn.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hà Nội tiếp tục tăng cường triển khai mở rộng Hệ thống họp trực tuyến từ thành phố đến tất cả các điểm cầu trực tuyến ở các sở, ngành; 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Đáng chú ý, thành phố đã hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng, triển khai lắp đặt các thiết bị màn hình cảm ứng, trang thiết bị công nghệ, camera giám sát để tuyên truyền và hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; phòng, chống dịch Covid-19 tại các khu chung cư, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố. Nhiều đơn vị đã chủ động triển khai ứng dụng chính quyền điện tử trên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, Hà Nội tập trung xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu cốt lõi về dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm... Thành phố cũng khuyến khích, định hướng người dân, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; xây dựng, phát triển thương mại điện tử; triển khai hóa đơn điện tử, biên lai điện tử...

Tuy nhiên, để đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng chính quyền điện tử, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại, thời gian tới, chính quyền các cấp từ thành phố tới cơ sở cần tích cực hơn nữa trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và người dân Thủ đô về lĩnh vực này. Cùng với đó, huy động các nguồn lực tài chính ưu tiên xây dựng hạ tầng chính quyền điện tử, thành phố thông minh; hoàn thiện các hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung để vận hành chính quyền điện tử tốt hơn; nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc trong các cơ quan nhà nước của thành phố. Tích cực tham gia liên kết, phối hợp, chia sẻ các cách làm mới, sáng tạo trong triển khai chính quyền điện tử với các tỉnh, thành phố trong nước và các thành phố phát triển trên thế giới.

Đặc biệt, chính quyền các cấp cần triển khai quyết liệt, hiệu quả Quyết định số 4097/QĐ-UBND ngày 6-9-2021 của UBND thành phố về việc phê duyệt Kiến trúc chính quyền điện tử thành phố Hà Nội - xây dựng theo Khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0; gắn chặt công tác xây dựng chính quyền điện tử với triển khai thực hiện Quyết định số 339/QĐ-UBND ngày 26-1-2022 của UBND thành phố về việc ban hành Kế hoạch cải cách hành chính của thành phố Hà Nội năm 2022. Cán bộ, công chức, người lao động tại các cơ quan quản lý của Thủ đô cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, quản trị, qua đó góp phần xây dựng chính quyền điện tử; nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Đối với người dân Thủ đô, điều cần thiết nhất là tích cực tìm hiểu, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; ủng hộ và giới thiệu những tiện ích của ứng dụng chính quyền điện tử tới người thân, cộng đồng để cùng sử dụng. Qua đó dần xây dựng một thế hệ “công dân điện tử” bắt nhịp với chính quyền số, xã hội số trong tương lai không xa…

Thế Đan