Tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em: Lợi ích lớn hơn nhiều so với nguy cơ

Xã hội - Ngày đăng : 19:01, 18/02/2022

(HNMO) - Chiều 18-2, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em - Những lưu ý quan trọng”. Các đánh giá cho thấy, việc thực hiện chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay đã giúp Việt Nam ứng phó, kiềm chế, kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, để cả nước thực sự chuyển sang trạng thái bình thường mới, việc hoàn thành tiêm chủng cho hơn 10 triệu trẻ từ 5 đến 11 tuổi, giống như những "mảnh ghép" rất quan trọng.

Những con số biết nói

Chương trình có sự tham gia của PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương; PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (thành phố Hồ Chí Minh).

Khách mời tham gia tọa đàm “Tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em - Những lưu ý quan trọng”.

Thông tin đáng lưu ý, theo PGS.TS Trần Minh Điển, số liệu của Bộ Y tế thời gian qua cho thấy, trẻ em dưới 18 tuổi mắc với tỷ lệ không nhỏ hơn so với người lớn, chiếm đến 19,3%. Tuy nhiên, chúng ta thấy nổi cộm lên là lứa tuổi từ 5-11 tuổi chiếm tỷ lệ 8%. Trẻ em ở lứa tuổi chưa có chính sách tiêm chủng (5-11 tuổi) thì nhập viện nhiều hơn và bệnh nặng nhiều hơn. Trẻ em trên tuổi đó đã tiêm chủng đầy đủ thì gần như số nhập viện là không đáng kể và bệnh nặng cũng không có.

Liên quan đến vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng cho biết, hằng ngày ông và đồng nghiệp thường xuyên nhận được những cuộc gọi tham vấn của phụ huynh về các trường hợp trẻ em mắc Covid-19, đặc biệt nhiều ca dưới 12 tuổi. Qua theo dõi nhiều tài liệu cho thấy trẻ em nhóm nguy cơ béo phì, bệnh lý bẩm sinh, sinh non, thiếu cân có nguy cơ tử vong cao, đặc biệt là khi chưa được tiêm vắc xin Covid-19. Song song với đó là những di chứng để lại như thế nào khi các cháu bị nhiễm bệnh thì rõ ràng còn quá mới, chưa tìm hiểu và nghiên cứu được hết.

Mới đây, các nhà khoa học Italia và Anh đã khảo sát 510 trường hợp nhiễm Covid-19 từ tháng 1-2020 đến tháng 1-2021 cho thấy các cháu có những triệu chứng kéo dài hơn 4 tuần (mệt, khó thở, đánh trống ngực, tinh thần không ổn định); chỉ có 10% số cháu trở lại sinh hoạt bình thường. Tại Việt Nam, cho đến nay Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận 60 trường hợp nặng, may mắn được điều trị tích cực nên không có trường hợp nào tử vong.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng, chỉ còn 10% trẻ chưa tiêm có nguy cơ mắc Covid-19 rất cao. Ví dụ, tháng 12-2021, Bệnh viện Nhi đồng 1 nhận 3 ca trẻ em từ 12-18 tuổi. Tháng 1-2022 chỉ có 1 ca và ca này chưa được tiêm, bị tổn thương đa cơ quan, mặc dù được hồi sức và cứu chữa tích cực nhưng không qua khỏi.  

Do đó, PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng nhấn mạnh, cần tuyên truyền để phụ huynh hiểu rõ lợi ích của tiêm vắc xin cao hơn nhiều so với không tiêm thì kế hoạch tiêm sẽ thành công. “Nếu 10% trẻ lứa tuổi này được tiêm sẽ tạo được mảnh ghép còn lại, các cháu sẽ được đi học, yên tâm và phát triển bình thường”, PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng bổ sung.

Học online là tình thế bắt buộc

PGS.TS Trần Minh Điển thông tin thêm, học online là tình thế bắt buộc. Ở thời điểm đi học, các bé không chỉ là học ở trường lớp, nhận được nhiều kiến thức hơn mà có nhiều lợi ích theo nữa là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác với nhau. Song, đứng trước một mũi tiêm dành cho trẻ, phụ huynh lo lắng là điều đương nhiên. Tuy nhiên, nhìn ra thế giới, Hoa Kỳ dù rất khắt khe trong việc cấp phép vắc xin cũng đã cấp phép khẩn cấp vắc xin cho nhóm tuổi này. Đã có 60 nước chỉ định vắc xin này cho trẻ em. Chính vì thế, vừa qua, Chính phủ Việt Nam mới quyết định mua hơn 20 triệu liều vắc xin Pfizer để tiêm cho trẻ em từ 5-12 tuổi.

Liên quan đến liều lượng tiêm, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương cho biết, đối với mỗi nhóm tuổi sẽ có từng loại khác nhau, đặc biệt là tới đây chúng ta tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi vắc xin Pfizer, tuy nhiên hàm lượng kháng nguyên hoàn toàn khác với vắc xin đã tiêm cho lứa từ 12-17 tuổi tương đương như người lớn. Cụ thể, hàm lượng vắc xin chỉ bằng 1/3 hàm lượng kháng nguyên so với lứa tuổi lớn hơn. Hiệu quả của vắc xin được đánh giá là cơ bản và hữu hiệu để đẩy lùi Covid-19.

Trên thực tế, tại Hà Nội, tình hình dịch bệnh đang diễn ra và nhóm trẻ được tiêm chủng đã đi học và nếu bị nhiễm thì tình trạng nhẹ. Chưa có trường hợp nào được tiêm chủng từ 12-17 tuổi phải nhập viện. Với nhóm này chúng ta đã làm giảm tình trạng phải nhập viện, giảm thiểu được dấu hiệu chuyển nặng của bệnh. Tổ chức Y tế thế giới tiếp tục khuyến cáo cần phải đẩy mạnh bao phủ tiêm chủng hơn nữa, đặc biệt cho nhóm người nguy cơ và nhóm yếu thế, trong đó có trẻ em.

Để củng cố thêm dữ liệu cho các bậc phụ huynh trên cơ sở tư duy xem triển khai như thế nào, tầm quan trọng của vắc xin ra sao, PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết thêm, triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi, Việt Nam đã tiêm 17 triệu mũi, trong đó mũi tiêm thứ nhất đạt trên 97% và mũi tiêm thứ hai đã đạt 94,6%. Về các phản ứng thông thường, ghi nhận chỉ có từ 0,5 cho đến 10% số cháu được ghi nhận tiêm chủng có phản ứng thông thường, tùy từng địa phương. Nếu so sánh với các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới cũng như nhà sản xuất, thì phản ứng thông thường của trẻ em Việt Nam nhẹ hơn so với số liệu đã ghi nhận. Còn phản ứng nặng cũng có, đó là những phản ứng phản vệ độ 2 và các cháu đã được xử trí kịp thời. Có những trường hợp ghi nhận phản ứng viêm cơ tim nhưng với chỉ đạo sát sao của Bộ Y tế, sự tập huấn của các chuyên gia y khoa, đã không để xảy ra rủi ro đáng tiếc.

“Trong 17 triệu mũi tiêm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ghi nhận có 5 trường hợp trên 1 triệu liều vắc xin sử dụng có phản ứng nặng, tức là các cháu phải quay trở lại cơ sở y tế để điều trị. Như tôi vừa chia sẻ, đây là chiến dịch được ghi nhận với số liệu rất an toàn, hoàn toàn nằm trong những khuyến cáo mà Tổ chức Y tế thế giới cũng như nhà sản xuất đưa ra”, PGS.TS Dương Thị Hồng nhấn mạnh.

Đối với vắc xin Pfizer (tới đây Việt Nam sẽ tiêm cho trẻ em), theo nghiên cứu của CDC Hoa Kỳ về phản ứng phụ sau tiêm, trong 4.000 trường hợp trẻ tiêm Pfizer thì không có trường hợp nào sốc phản vệ. So sánh liều sốc phản vệ ngay cả người lớn khi tiêm Pfizer và những vắc xin khác thì tỷ lệ phản vệ nói chung chỉ khoảng 10/1 triệu liều tiêm. Đặc biệt đối với vắc xin Pfizer thì tỷ lệ là 9,3/1 triệu liều tiêm và không có ca nào tử vong.

So sánh với những vắc xin khác đã tiêm cho trẻ như vắc xin phòng dại, viêm não, sởi, quai bị, rubella, HPV thì vắc xin Covid-19 hiện dùng gặp phản ứng bất lợi sau tiêm đứng hàng thứ 5...

Hà Phong